1.Trong gia đình mình khi nói ‘Cậu’ là ai cũng biết là nói về cậu Trực, em ruột của mẹ. Không như khi nói về các cậu khác phải kèm theo tên riêng. Một danh từ chung đã biến thành tên riêng của một người. Có lẽ vì Cậu là người sống trong gia đình mình trong suốt thời gian cùng với mẹ đi vào Nam đến khi lập gia đình và sau đó gia đình Cậu tiếp tục sống kề cận với gia đình mình cho đến khi giải phóng (năm 1975). Bây giờ gia đình mình ở Đắc Min cũng là do đi theo Cậu lên Ban Mê Thuột lúc Cậu được thuyên chuyển lên đó.
Không biết Cậu ở với cha mẹ mình từ lúc nào, mình chỉ nhớ lúc mình được 8, 9 tuổi, đang học tiểu học, thì Cậu đang ở trong nhà mình. Lúc đó Cậu là sĩ quan quân đội. Ban ngày Cậu đi làm, trưa, chiều Cậu về. Mỗi khi Cậu về bước vào nhà, mình là người phải ra chào Cậu bằng tư thế quân sự (đứng nghiêm, đưa tay phải lên trán). Cậu rất nghiêm khắc, có cái quắc mắt và lên giọng rất khủng khiếp. Trong nhà đứa nào cũng sợ Cậu mặc dù Cậu không đánh đập ai. Chỉ một lần Cậu bạt tai anh Sơn vì đã phá máy ảnh của cậu. Cha mẹ cũng biết điều đó, nên lúc Cậu chuẩn bị lấy vợ mẹ có nói đại ý là tụi con sắp được ’giải thoát’ rồi. Còn nhỏ mình chưa hiểu được những thay đổi về mặt tâm sinh lý khi người ta lấy vợ, nhưng quả thật, sau khi lấy vợ, tuy vẫn ở chung trong nhà nhưng Cậu đã khác hẳn, không còn hay cáu gắt, la lối mấy đứa cháu nữa. Lúc đó, mình và chị Vân đang học chung một lớp ở bậc tiểu học. Cậu treo thưởng bằng tiền mặt (hình như 1 hoặc 2 đồng gì đó) cho đứa nào đứng nhất lớp trong tháng. Mình với chị Vân cứ thay nhau lấy tiền thưởng của Cậu.
(Vân: Khi nói đến cậu hầu như không có chuyện gì để kể vì từ khi có trí khôn (cỡ 7, 8 tuổi) thì biết là nhà mình có một người cậu mà rất nóng nảy và nghiêm khắc. Rồi khi nhà dời lên BMT, có thời gian lên cậu ở để giữ em Lộc và làm việc trong nhà. Mỗi ngày cậu đi làm hai buổi, mợ cũng đi dạy hay đi làm gì đó hai buổi, nên mọi việc trong nhà đều phải chu tất, nào là nấu cơm, giặt đồ, chùi nhà, dọn giường, tắm rửa và cho em ăn. Chiều ăn cơm xong, cậu mợ lại chở nhau đi xem phim hay giải trí đâu đó, ở nhà chị em chơi với nhau rồi đi ngủ, sáng sớm 4h30 phải dậy học bài.)
2.Hè năm 1974, đang học trong trường thì có dịch sốt thương hàn. Nhà trường cho nghỉ hè sớm, ai về nhà nấy. Nhà mình lúc đó ở cây số 5 thị xã Ban mê Thuột bên cạnh nhà Cậu. Về nhà được một thời gian thì mình bị sốt. Mẹ cho uống thuốc nhưng không bớt mà ngày càng nặng thêm. Cả nhà lo đi làm ngoài rẫy, một mình mình nằm chèo queo trên gác với cơn sốt hành hạ. Mấy ngày sau mình không biết gì nữa. Sau này nghe kể lại mình đã lên cơn mê sảng, chui xuống gầm giường và nói năng lung tung. May thay, đến lúc đó cậu sang thăm và quyết định phải đưa mình đi bệnh viện gấp.Trong trí nhớ mình còn ghi lại đến tận bây giờ là lúc mình ngồi trên chiếc xe jeep để cậu chở từ nhà ở cây số 5 lên bệnh viện Ban Mê Thuột và sau đó thì không biết gì nữa. (Thạch: Phong nằm nhà thương vì thương hàn: cậu Trực vào nhà thương quát tháo là đúng nhưng cậu Phan mới là người đưa tới bệnh viện, bằng xe Honda. Cũng sẽ thuật lại dưới vai trò người chăm sóc.)
Lúc đó mình đang nằm mê man trên giường bệnh, nghe tiếng ồn ào thì tỉnh lại. Một cảnh tượng còn lưu lại đến bây giờ là cảnh cậu, mặc trên người bộ quân phục sĩ quan, đang quát tháo những cô y tá trong bệnh viện. Thì ra, sau khi được nhập viện, mình đã bị bỏ mặc cả một hai ngày, không được ai thăm khám. Sau khi bị la mắng và nhờ cái uy của một sĩ quan quân đội trong thời chiến, mình mới được nhân viên bệnh viện chữa trị và hai ngày sau thì tỉnh lại. Nếu không có cậu có lẽ bây giờ mình không còn được ngồi đây để viết lại những dòng này. (Trinh: Anh Phong ơi ! có lẽ phải vật lộn với bạo bệnh nên anh thấy thời gian một buổi dài như là một hai ngày vậy. Với cá tính của cậu thì chẳng có đứa cháu nào ưa cả nhưng cậu lại rất quan tâm và lo lắng cho các cháu. Em chắc là cậu không để anh nằm lâu hơn một buồi mà không tới thăm , một buổi cũng đủ để cậu tức giận rồi , chứ lâu hơn nữa thì không biết cơn thịnh nộ nó còn tới đâu)
3.Mình là đứa nhát gan, sợ bị đòn, nên hầu hết những lần bị đòn (từ khi có trí khôn) mình đều nhớ rất rõ. Ngay cả khi người khác bị đòn mình cũng không thể quên. Vào khoảng năm 1967, ở Việt Nam máy chụp hình (loại cơ chứ chưa có loại kỹ thuật số) là một vật dụng giá trị cao, rất hiếm, không phải ai thích cũng có thể dễ dàng mua được một chiếc như bây giờ. Cậu có một chiếc như vậy. Thỉnh thoảng, cậu lấy ra chụp một vài kiểu. Vào một buổi sáng, lúc đó ở nhà không có người lớn, chỉ có mấy anh chị em ở nhà, anh Sơn đã mở tủ, lấy máy ảnh của Cậu để chụp hình cho mấy đứa em. Anh Sơn lúc đó đã đi học ở Nha Trang nhưng đang trong kỳ nghỉ hè hay nghỉ tết gì đó. Mấy đứa em hồ hởi, đứng ngồi làm kiểu để anh Sơn nháy cho mỗi đứa một ‘pô’,vui vô cùng. Không ai ngờ rằng trò chơi này mang lại một ‘tai họa’. Sáng hôm ấy, ngày chúa nhật, sau khi đi lễ về, Cậu lấy máy chụp hình ra để chụp vài kiểu kỷ niệm cho cả nhà trước khi anh Sơn trở về lại chủng viện sau kỳ nghỉ. Mọi người đang đứng xếp hàng chuẩn bị cho Cậu chụp thì Cậu phát hiện ra có người đã lấy máy sử dụng trước đó. Cậu cho rằng ai đó đã làm cháy hết phim trong máy (không biết có thực như vậy không vì nếu anh Sơn không tháo máy ra thì không thể cháy phim được). Cậu nổi cơn thịnh nộ, quát lên. Đứa nào cũng đứng im phăng phắc nhưng Cậu biết chắc ai là ‘thủ phạm’. Thế là anh Sơn bị ăn bạt tai ngay tại chỗ, trước mặt mọi người. Cha mẹ có lẽ cũng đau lắm nhưng không thể nói câu nào để biện hộ cho lỗi của con mình. Mình không nằm trong hoàn cảnh của anh Sơn để hiểu hết được những lý do anh không thích Cậu nhưng sau đó khi anh Sơn về nhà trong các kỳ nghỉ mình nhận ra anh Sơn vẫn rất giận Cậu qua những câu trò chuyện với anh Thạch (vì lúc đó mình còn quá nhỏ để anh Sơn có thể chia sẻ những chuyện như vậy). Một cụm từ mà mình vẫn thường nghe anh Sơn nói lúc bấy giờ là :‘cóc cần của Cậu’ để thể hiện sự chống đối của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét