Tháng 6 năm 1979, Phong vừa học xong trung học, vô Sài gòn thi Đại Học. Trước đó vài tuần lễ, Thạch đi theo phái đoàn văn nghệ Hội diễn Quần chúng xã Đức Minh xuống tham dự đại hội Văn Nghệ vùng ở Phan thiết. Trong thời gian này, anh đang lang thang ở Phan rang, Phan thiết nên đã gặp Thạch. Cả 2 anh em Thạch Sơn đi vô Sài gòn và gặp Phong đã vô đó trước để thi. Hình như lần này không ghé nhà anh Đăng chị Nguyệt mà ghé nhà bác Châu. Khi 2 anh em vô Sài gòn thì lúc đó Phong cũng đã thi xong, nên cùng kéo nhau đi xuống Cần thơ chơi ít hôm, ghé thăm chị Chín, là con cha Đạt. Mình để Thạch và Phong ở lại Cần thơ xuống Trà lồng (Phụng Hiệp) thăm Trần thế Hội một vài ngày. Sau đó cả 3 anh em trở lại Sài gòn, rồi đi xuống Bến Lội, nơi gia đình cậu Hải đang sinh sống.
(Thạch : Hình như chuyến đi Cần-thơ này không có Phong vì chưa thi xong. Tại Cần-thơ có gặp lại và được mời ăn cơm một buổi ở nhà chị Tơ, là bạn cùng đi tu với chị Tuyết, lúc đó đã rời cuộc sống tu trì)
Bến Lội là nơi sơn cùng thủy tận, vì không còn đường đi nữa. Đó là một mảng đất trủng nhỏ nhoi nằm giữa rừng. Dân cư sinh sống đã lâu đời ở đó thì người ta có ruộng đất ở vùng thấp nên có lúa gạo để ăn và có nhà kê tử tế. Nhà kê là nhà làm bằng gỗ quý được kê lên những viên gạch hay bệ đá. Những người mới tới như nhà cậu Hải thì chỉ có những miếng đất rãy trên khô. Muốn đến Bến Lội, trước tiên phải đi xe từ Sài gòn tới Thủ dầu Một, rồi bắt xe nhỏ (xe ngựa) từ Thủ dầu Một đi Thị Tính. Từ Thị Tính, phải đi bộ gần 4 cây số đường mòn ngang qua rừng thưa mới vào tới nhà cậu Hải. Đây là vùng rừng rậm lúc trước nhưng đã được khai quang để tránh sự ẩn nấp của quân đội cs. Đặc biệt của vùng này là sự xuất hiện của một loại cỏ cao trên 2 thước, có bông màu nâu nhạt và thân rất dòn, khi có người đi qua dẫm lên thì nó ngã rạp xuống. Dân địa phương gọi là cỏ mỹ, vì chính quân đội mỹ đã rải giống khắp vùng để giúp máy bay quan sát từ cao nhìn xuống có thể nhận ra nơi nào đã có dấu vết người đi qua.
Nhà cậu Hải thật là thô sơ, như cái chòi lá. Mái nhà lợp dở dang, còn trống hốc một khoảng lớn, không đủ che nắng, chưa kể khi trời mưa thì dột lỗ chỗ khắp nhà.
3 anh em cùng nhau đi xuống cậu Hải, Phong ở lại 1 buổi tối, sáng hôm sau trở lên Sài gòn rồi về lại Phan Rang chờ kết quả thi ĐH. Thạch với Sơn bắt đầu kế hoạch ở lại Bến Lội, khai hộ khẩu, làm giấy CMND, và lập nghiệp lâu dài. Sau vài bữa ngồi chơi tán dóc, câu cháu bắt đầu đi làm thuê kiếm tiền. Phân công ban đầu là Thạch theo cậu đi cưa, và học nghề mộc đục đẽo khi nào cậu có việc trong loại đó. Còn Sơn thì làm việc ruộng rẫy ở nhà. Buổi xuất quân đầu tiên của anh Thạch là đi cưa một bộ phản bằng gỗ cẩm lai bên kia sông. Theo dự tính của cậu, 2 cậu cháu sẽ cưa xong trong vòng từ 3 tới 5 ngày. Nhưng qua ngày thứ hai, thì anh Thạch phát sinh đau bao tử. Lúc đó thì không hiểu nguyên do, nhưng bây giờ nhìn lại, cọng thêm kinh nghiệm những lần đau bao tử về sau, thì anh Thạch khám phá ra là mỗi lần phải vận động bắp thịt bụng nhiều quá, hay có sức ép vào bụng một cách liên tục nhiều lần thì phát sinh đau bao tử. Mà cưa líu thì phải có một người ngồi ở dưới để kéo và một người đứng ở trên. Ngồi ở dưới thì cơ bắp ở bụng phải co rút đều đặn theo nhịp kéo cưa. Thạch mới đi cưa với cậu lần đầu tiên, nên chưa thể đứng cưa ở trên được. Thế là anh phải đi cưa với cậu Hải thay cho anh Thạch. Nghĩ là ghê gớm, nhưng chẳng có gì. Được cậu Hải chỉ dẫn kỹ càng và tập từ từ, chỉ dăm phút sau là nhuyễn tay. Anh tiếp tục cưa bộ ván cẩm lai với cậu Hải xong. Sau đó anh tiếp tục đi cưa với cậu những mối khác và bắt đầu biết thêm nhiều kỹ thuật để bẻ lưỡi, mài lưỡi cưa.
Cuộc sống ở Bến Lội chỉ kéo dài gần 6 tháng, nhưng mình cảm thấy dài vô tận. Chỉ gần 6 tháng, vì 2 anh em đặt chân đến vào giữa tháng 7, 1979, mà đến Tết Âm Lịch 1980 đã ra về, đó là cuối tháng Giêng năm 1980. Đây là một quãng thời gian đáng nhớ vì cuộc sống rất lam lũ cực khổ. Lúa gạo không có mà ăn, ăn ngày nào biết ngày đó, đói nhiều hơn no. Hao hụt đến nỗi, cứ hẹn làm cho người ta, thỏa thuận số tiền hay số gạo rồi đi tới lấy gạo về ăn hay nhận tiền về tiêu xài mà chưa bắt tay vào việc. Nhưng việc chưa làm đã ăn hết gạo hay tiêu hết tiền, nên đến khi đi làm lại làm không. Trong nhà có cậu Hải, mợ và 6 đứa con của cậu mà trong số đó Đại lớn nhất là 12 tuổi.
Mùa mưa, nước trên rừng theo suối đổ xuống, làm ngập con lạch nhỏ mà bình thường mùa khô nước chỉ ngang đầu gối và rộng chừng dăm thước. Đến mùa mưa, nước dâng cao, chảy cuồn cuộn. Có những buổi sáng còn mờ tối, anh với anh Thạch rủ nhau dậy đi xuống tắm. Để khỏi phơi đồ giặt dũ mất công, 2 anh em đánh truồng, bơi lội giữa dòng nước mát lạnh trong vắt thật thoải mái vô cùng. Bến lội là nơi vắng vẻ thưa thớt. Nhà ở cách xa nhau, bao quanh là đồng ruộng hay nương rẫy. Vào buổi sáng sớm như thế không có ai qua lại, nên anh em vùng vẫy dưới nước tha hồ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét