22/4/10

Chuyến trở về

Đối với đất nước Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử lớn. Đối với gia đình mình, đây cũng là một biến cố làm thay đổi cuộc sống của nhiều thành viên trong gia đình. 
 
Khi Đà Lạt, Nha Trang bị quân giải phóng chiếm giữ, anh Thạch (lúc đó đang học ở chủng viện Sao Biển Nha Trang) và anh Sơn (đang học ở Giáo hoàng học viện Đà Lạt) đều cùng với đoàn người di tản chạy về Phan Thiết. Đến khi Phan Thiết bị quân giải phóng chiếm thì hai anh lên thuyền đi vào Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu) rồi về Sài Gòn. Tại đây, ba anh em gặp nhau. Lúc đó mình đang học ở dòng Phanxicô Thủ Đức. Tâm trạng lúc đó của 3 anh em như những đứa con mất cha, mất mẹ, tìm đến nhau để chia sẻ, đùm bọc nhau. Ba anh em lên đường đi Cần Thơ, nơi chị Tuyết đang tu ở dòng Chúa quan phòng. Trước tình cảnh đáng thương của mấy anh em, nhà dòng đã cho ba anh em tá túc và nuôi ăn uống đầy đủ. Sống trong nhà dòng được khoảng mươi ngày thì miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Mọi người xôn xao trở về quê cũ. Tâm trạng của những kẻ ra đi lúc đó chỉ muốn nhanh chóng về nhà để biết nhà mình thế nào sau cuộc chiến. Mình với anh Thạch cũng khăn gói lên đường. Lúc đó anh Sơn đang đi chơi nhà bạn ở Phú Quốc. Từ Cần Thơ về Sài gòn thì không có gì đặc biệt, chỉ có điều phải đi hai lần mới trót lọt. Lần đầu, tình hình an ninh chưa ổn, tiếng súng vẫn còn nổ, xe đi một quãng phải quay về lại. Chuyến đi từ Sài Gòn về Ban Mê Thuột mới đáng nhớ.
Hôm đó, hai anh em Thạch-Phong đi trên chiếc xe lam 3 bánh từ Sài Gòn lên Thủ Đức, ghé vào nhà dòng Phan Xi Cô để lấy đồ đạc còn để tại đây vì khi đi Cần Thơ chỉ mang theo một ít đồ cần thiết. Trên đường đi từ Sài Gòn đến Thủ Đức, hai bên đường, thậm chí ngay giữa đường là những đống quần áo, giầy mũ, vũ khí của lính quốc gia cởi bỏ, quăng vất bừa bãi từ khi quân giải phóng vào, chưa có ai dọn dẹp. Ngoài lề đường, có chiếc xe xúc đang đi thu dọn những xác chết không biết của bên nào đã bắt đầu trương sình lên. Sau khi lấy đồ trong nhà dòng ra, hai đứa đứng đón xe ở ngã ba Thủ Đức. Xe đi về miền Trung rất nhiều nhưng chiếc nào cũng đầy nhóc, không còn chỗ nào để nhét hoặc bám được nữa. Kể cả trên mui xe, ngoài đồ đạc, chỗ nào còn trống cũng có người ngồi hết. Định đón xe đi Nha Trang nhưng không được, cuối cùng thì hai đứa cũng lên được một chiếc xe khách đi Phan Thiết loại trung (cỡ xe 16 chỗ ngồi bây giờ) chật cứng nhưng vẫn dồn chứa thêm được hai đứa nhỏ. (Thạch: Theo trí nhớ của Thạch, xe này không phải là xe khách vì chung quanh bít bùng, chỉ có cửa mở phía sau, bên trong có 2 dãy ghế dọc như xe lam, chính giữa được kê thêm vài dãy ghế cho người ngồi thêm. Không biết xe được dùng làm gì trước đó nhưng 2 anh em đã đoán là xe đi chở than vì về đến PT thì mặt mũi ai cũng đen thui như mới từ lò than chui ra). Mừng hú vía. Xe lớn xe nhỏ nối đuôi nhau xuôi về miền Trung. Lúc bấy giờ, hầu hết các cây cầu trên quốc lộ 1 đều đã bị đánh sập (do khi rút lui quân Nam Việt đã phá hỏng để cản đường tiến công của quân giải phóng) nên xe phải đi len lỏi vào rừng để tránh cầu hoặc lao xuống khúc sông suối cạn bên cạnh chiếc cầu sập. Mỗi lần qua cầu sập như vậy, mọi người phải xuống chạy bộ theo xe vì xe không đủ mạnh để vượt qua những con dốc khi chở đầy người. Cũng may lúc này chưa vào mùa mưa nên mới có thể đi như vậy được. Bụi bay mù mịt. Cứ như vậy mà đi cho đến Phan Thiết.Lúc đó khoảng 8g tối, xe dừng tại một quán ăn bên đường. (Thạch: Lúc đầu 2 đứa tính đi về Vinh-thủy nhưng không biết những người quen đã trở về chưa, không biết trú nơi đâu nếu không tìm thấy ai ; hai đứa bèn xuống xe ở cổng chữ Y, vào quán ăn cái đã rồi tính sau). Hai đứa với hành trang, quần áo, mặt mày bám đầy bụi đất, khói xe, nhìn nhau mà không còn nhận ra nhau. Tiền bạc lúc này cũng rủng rỉnh vì trước khi về mấy bà xơ dòng chị Tuyết cho, nên hai anh em hiên ngang vào quán kéo ghế ngồi kêu cơm đĩa và một chai bia ‘con cọp’ để ăn mừng cho việc sống sót sau chuyến xe bão táp.
 
Ăn xong, bước ra ngoài, đang loay hoay định về Vinh Thủy kiếm chỗ nghỉ lại thì có chiếc xe từ Sài Gòn đi Nha Trang ghé lại đón khách. Đây là chiếc xe khách loại lớn (loại 50 chỗ). Xe đã đầy ắp người, anh lơ xe chỉ lên mui, muốn đi thì đi. Trên mui lúc này người ta cũng ngồi lố nhố chung với đồ đạc. Hai anh em hội ý nhanh, quyết định leo lên mui, phía sau cùng, vì phía trước không còn chỗ. Xe chạy. Vì ngồi phía sau nên người bị xóc tung lên mỗi khi xe gặp ổ gà.Mà đường lúc đó không trơn láng như bây giờ, lởm chởm và đầy ổ gà. Rất may, hai anh em ngồi cạnh mấy chiếc xe đạp. Xe đạp thì đã được cột chắc vào mui xe. Thế là mỗi đứa móc một tay vào bánh xe để giữ cho khỏi bị rớt xuống xe và ngủ gà ngủ gật cho đến khi xe ra đến Nha Trang vào khoảng 4,5 giờ sáng ngày hôm sau.
 
Hai anh em lên xe lam đi về chủng viện Sao Biển để anh Thạch lấy đồ đạc. Không hiểu sao, trong tình hình này mà hai đứa vẫn còn xuống tắm biển, ngắm bình minh trên vịnh Nha Trang xinh đẹp. Đi ngang qua nhà nguyện của chủng viện anh Thạch còn giới thiệu : nhà nguyện được lát bằng gạch hoa và được thường xuyên lau chùi bóng láng đến nỗi có cha đi làm lế bị trượt ngã...Chuyện này có thật hay không thì chưa biết, chứ còn trí tưởng tượng phong phú của anh Thạch thì có thật một trăm phần trăm. Nhớ lại lúc nhà đang ở Phan Thiết, có lần anh Thạch cùng với anh Sơn được đi chơi ở Bình Chính- Phan Rang (nơi cha Báu, cha đỡ đầu anh Sơn, đang coi xứ). Về nhà, mấy đứa em đứa nào cũng há hốc miệng để nghe anh Thạch kể chuyện. Nào là con dê nó chỉ đi trên đá, nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, nào là đá ở đó muôn màu muôn sắc, đập vỡ ra như thủy tinh nhiều màu,...Lại nữa, sau chuyến đi Đắc Min, lên ở với cha Sinh tại nhà thờ Vinh An dịp nghỉ hè, anh Thạch đã kể lại những điều tai nghe mất thấy ở đó cho mấy đứa em. Nghe kể, đứa nào cũng tưởng tượng ra Ban Mê Thuột là một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, sản sinh ra những loại cây trái to lớn khác thường như : mía voi to bằng cổ chân, chuối già hương thân lùn nhưng buồng dài chấm đất, mít tố nữ rụng không ai ăn, gà nuôi thả đầy vườn ngủ trên cây như chim,...Về sau, khi lớn lên và đến những nơi này mới biết tất cả là do trí tưởng tượng của anh Thạch mà ra cả. (Trinh: Anh Phong à, em nghĩ anh Thạch kể chuyện cũng đúng mà, không tưởng tượng nhiều lắm đâu. Khi gia đình mình về Đức Lập nay là ĐakMil lúc đó là sau giải phóng  được gần một năm rồi nên không còn là thời kỳ sung túc nữa , giai đoạn đó chỉ có người nghèo là thanh thản , còn người giàu thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ , luôn sống trong căng thẳng , ngột ngạt thì làm sao thấy được sự trù phú của miền đất này. So với Phan Thiết thì chuối , bắp , mía v.v..ở vùng này nó lớn hơn nhiều , hơn nữa cũng vì nhiều cây cối nên gà nó cũng ngủ trên cây như chim vậy)
(Thạch :Phong nói rất đúng là anh có một trí tưởng tượng rất phong phú. Nhớ lúc nhỏ, anh thường tưởng tượng chuyện anh hùng kiểu như superman bay trên nóc nhà để kể cho mấy em nghe, đứa nào cũng chăm chú nghe và có lúc cười sặc sũa. Chuyện ở Bình-chính thì anh không nhớ gì về những điều Phong nhắc nhưng chuyện ở Dakmil thì có thật.
Anh tới thăm cha Synh lúc cha ở xứ Vinh-an, anh vốn nhát gan và không ở chơi lâu nên không quen ai, chỉ ở quanh quẩn trong nhà xứ. Cha Synh nổi tiếng khó tính nên con nít không dám bén mảng vào phá nơi khu vực nhà xứ, thành ra cây trái gì trong nhà xứ đều còn nguyên vì đâu có ai ăn. Có 2 cây xoài tượng trĩu trái, nghe nói mỗi lần hái cũng được 2 bao tạ; mít quanh vườn có chín rụng xuống cũng chỉ có chó gà tới ăn nên anh đã có lúc leo lên cây mít, rạch một đường trên trái mít mật đã chín trên cây, moi ăn vài múi rồi để đó, mấy hôm sau trái mít mới rụng xuống.
Mía voi thì không thấy ở Dakmil nhưng ở Châu-sơn, gần thị xã Bmt. Chắc Phong đã thấy mía này rồi vì trước khi nhà mình dọn tới Bmt mẹ cũng có đi một chuyến thăm dò, lúc trở về có mang về mấy cây mía voi. Anh nghe kể : chị Vân cắt tặng cho mấy bạn, mỗi người một lóng nên Phong đã nói đùa là một cây mía voi đủ cho cả làng Vinh-hưng ăn) 

Sau đó, hai anh em ra bến xe về Ban Mê Thuột. Chấm dứt một chuyến đi để đời. Đến nhà mới biết cả nhà mình vẫn bằng yên, không bị thiệt hại gì mặc dầu nằm trong tầm đạn pháo khi quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Ban Mê Thuột. Lúc này, hai anh em mới nghĩ : biết vậy mình đi chơi cho đã rồi hãy về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét