Một ngày chúa nhật, tháng 11 năm 1968. Lúc đó các em Thạch, Vân và Phong sinh hoạt Hùng Tâm Dũng Chí trong xứ, nên chúa nhật nào cũng mặc đồng phục đi lễ. Đồng phục nam là áo sơ mi trắng, quần sóc tây xanh dương đậm và khăn quàng màu. Còn đồng phục nữ là áo sơ mi trắng với váy rộng dài ngang đầu gối màu xanh dương đậm. Lúc đó vừa đi lễ về, khoảng 9g sáng, trời nắng đẹp. Anh cũng vừa hết mấy ngày nghỉ giữa khóa và chuẩn bị lên đường trở ra Tiểu chủng viện Sao Biển. Vào thời điểm này, đường bộ giữa Phan thiết và Nha Trang không còn đi được vì bị đắp ụ. Thông thương giữa Phan thiết và Nha trang phải đi bằng thuyền, hoặc bằng máy bay. Vì cậu là lính trong nghành truyền tin, có quen với những người phụ trách sắp xếp các chuyến bay quân sự từ Phan thiết ra Cam Ranh hay ra Nha Trang, nên đôi khi anh được đi ké máy bay.
Trời nắng đẹp, lại có áo quần xanh đỏ của mấy đứa, nên cậu cao hứng muốn chụp hình, vì cậu đang có một cuộn phim màu trong máy. Máy chụp hình cậu để trong tủ quần áo của cha mẹ. Trước đó mấy ngày anh đã lấy vọc phá chơi trong lúc có đủ mặt các em từ anh Thạch trở xuống. Tưởng là máy không có phim, nên anh nghĩ rằng chụp chơi đâu có thiệt hại gì, lúc đó anh chưa xài máy chụp hình nhiều để biết nhìn vào số phim còn lại mà biết là máy có phim ở trong hay không. Dựa vào suy luận sai lầm đó mà anh đã ngang nhiên lấy máy ra chụp giỡn chơi với mấy em. Sau khi đã bấm mấy pô, thì anh mở phía sau ra và thấy có cuộn phim trong máy, anh biết là cuốn phim bị cháy tiêu rồi. Lúc đó mới tá hỏa tam tinh vì coi như sự việc bị đổ bể rồi, trước sau gì cũng bị phát giác, chỉ không biết lúc nào thì sẽ bị phát giác mà thôi. Lo ngay ngáy một lúc rồi cũng quên bẵng đi cho tới buổi sáng chúa nhật hôm đó.
Cậu lấy máy ra nhắm rồi chụp một vài tấm, chụp xong thắc mắc tại sao thấy số phim còn lại không đúng với số phim phải có, hoặc là nhiều hơn hoặc là ít hơn. Cậu hồ nghi có ai đã vọc phá máy của cậu rồi. Thế là cậu hét lên: đứa nào vọc máy của cậu. Anh Thạch nhanh nhẩu báo cáo ngay là “cháu thấy anh Sơn lấy coi …”. Cậu tát cho anh mấy cái chúi nhủi, la mắng xối xả còn mấy đứa em thì thui thủi trốn vô nhà.
Ngay sau đó anh không có cảm giác buồn giận, không khóc không hận gì cả. Anh cảm thấy rất thanh thản bình an. Anh biết đó là tội của mình, mình làm thì mình chịu thôi. Anh lại càng không bực tức gì vì Thạch đã khai ra, vì không khai thì trước sau gì cũng tìm ra manh mối, thủ phạm chính là anh chứ có ai khác đâu. Trước đó, anh không đồng ý với cậu về nhiều chuyện, anh rất bực mình về tính cách gia trưởng của cậu, những hung hăng hách dịch của cậu, nhưng lần đó, cậu phản ứng như thế, anh không hề có một cảm giác bất mãn hay buồn giận gì cả. Không ! Tuyệt nhiên không ! Anh biết đó là tội của anh rồi, đã có gan làm thì phải có gan chịu. Khi mình không buồn, không giận, không hận gì cả thì thấy lòng nhẹ tênh. Cảm giác thật sướng ! Chuyện qua rồi, không phải lăn tăn than khóc gì cả. Suốt ngày hôm đó lên phi trường chờ máy bay không có nên chiều anh trở về nhà lại, qua hôm sau mới đi được.
Vài tuần sau, cha viết thư nhắc về biến cố này và dùng hình ảnh bức tranh thủy mạc có nét tối nét sáng để làm nên vẻ đẹp để khuyên anh biết dùng những cơ hội không vui đó mà hoàn thiện đời sống.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét