Năm 1966 tôi học lớp ba, môn thủ công cho dịp tết trung thu là làm lồng đèn, thời hạn là một, hai tuần gì đó. Cái thời 9-10 tuổi đâu có nhiều sáng kiến, cũng chưa đủ lớn để dám làm khác chúng bạn nên đứa nào cũng nghĩ tới làm một cái đèn trái trắm hay đèn ngôi sao để mang đi nộp, nếu có kiếm được thêm điểm là ở chỗ dán giấy, trang hoàng.
Cũng như bao đứa bạn cùng lớp, tôi trình bày dự án và nhờ tới cha giúp để thực hiện cái lồng đèn. Chắc để dạy tôi biết tháo vát, tự lập cha chỉ nói cứ làm đi rồi cha giúp. Tôi cũng bắt đầu chẻ tre, vót lạt nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì tuy đã bao nhiêu năm nhìn đèn trái trắm, đèn ngôi sao trong các dịp trung thu hay giáng sinh nhưng chưa bao giờ có dịp nhìn ai làm lồng đèn cả. Hạn nộp bài sắp tới, một buổi chiều, tôi nhắc lại với cha để giúp thực hiện lồng đèn, cha bảo tôi muốn làm cái gì thì bắt đầu làm đi; lúc ấy tôi có cảm giác bị bỏ rơi nên bật khóc tức tưởi…
Rốt cuộc thì cha cũng ra tay giúp tôi, nhưng không làm đèn ngôi sao mà dựa theo một kiểu lồng đèn lạ hoắc tìm thấy trên một bức tranh rước đèn trung thu; cái đèn chỉ có hai mặt, phình ra ở giữa, mỗi mặt gồm có hai diện tích tròn đan vào nhau thành như hình số tám, trong bức tranh thì cái lồng đèn này được gắn trên đầu một cây gậy nhưng cha chế lại thành lồng đèn xách tay.
Ngày nộp bài tới, chẳng đặng đừng, tôi cũng phải rón rén xách cái đèn tới lớp, nhưng giấu biệt dưới gầm bàn vì mắc cở khi thấy cái đèn của mình chẳng giống ai. Giờ thủ công tới, bạn bè hí hửng mang đèn lên chấm điểm nhưng tôi nhất định không thèm nộp, chẳng thà chịu ăn trứng vịt chứ không muốn thành trò hề cho cả lớp. Khi thầy hỏi còn ai chưa nộp không thì mấy đứa bạn mới phát giác cái lồng đèn của tôi còn nằm nguyên dưới gầm bàn nên tụi nó moi ra đưa lên nộp, ai cũng cười vì thấy nó giống cái giỏ đi chợ, lồng đèn của tôi được chấm 4 điểm trên 10 coi như có công nộp bài. Dường như sau buổi học thì nó đã bị đá nát tả tơi và tôi cũng chẳng màng lấy lại đưa về nhà.
Từ kinh nghiệm này tôi cẩn thận hơn trong việc giáo dục hai đứa con, dẫu mình có muốn chúng có căn bản để biết sống tự lập nhưng cũng phải từ từ và tùy theo độ tuổi; ở cái tuổi thiếu nhi, cái tuổi chưa có bản lãnh để khẳng định mình thì không dễ dàng gì để sống khác những bạn bè chung quanh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét