22/4/10

Bệnh thương hàn của Phong

Đi học ở Nha-trang, mỗi lần về nhà tôi đều kiếm mua cho mấy đứa em ở nhà một ít kẹo. Dạo đó kiếm được một loại kẹo mà mấy đứa em đều thích nên trước khi lên xe về nhà tôi đã mua mấy gói để làm quà cho em út. Đó là mùa hè năm 1974.
Đầu tháng năm là lúc vào mùa mưa, đồng nghĩa với công tác cật lực chuẩn bị cho vụ mùa trong năm. Tôi về tới nơi, thấy nhà cửa khá vắng vẻ, chỉ có Phong đang nằm ủ rũ trên gác. Phong về nhà trước tôi nhưng đang bị bệnh, nóng sốt nhưng chưa biết bệnh gì, được cho uống thuốc và nằm chèo queo ở nhà; có lẽ cha mẹ nghĩ chỉ là một cơn cảm cúm xoàng, uống thuốc, nghỉ ngơi rồi đâu lại vào đấy.
Ngày hôm sau, vào khoảng gần trưa, có cậu Phan ghé thăm, nhìn thấy Phong dật dờ nóng sốt, cậu bảo mẹ phải đưa đi nhà thương chứ không thể để vậy được và cậu kêu tôi cùng đưa Phong đi nhà thương trên chiếc xe Honda của cậu.
Tới nhà thương, làm giấy tờ và được người ta chỉ vào nằm trong một phòng có khoảng 20 cái giường, bệnh nhân khá đầy nên chỉ còn 1 hay 2 giường trống. Không còn nhớ có được y tá lấy nhiệt độ hay cho uống thuốc gì hay không nhưng từ trưa đến tối không thấy tăm hơi bác sĩ đâu cả. Từ nhỏ tôi đã biết Phong rất nhạy với nhiệt độ vì mỗi lần Phong bị sốt hơi cao (trên 39 độ) là thế nào cũng có màn mê sảng, tự nhiên ngồi dậy làm gì đó hay bật dậy đi một vòng mà hỏi han thì không hay biết gì cả. Phong lúc này khi tỉnh, khi mê, thỉnh thoảng mở mắt nói vài câu vô nghĩa như đang nói chuyện với bạn bè ở đâu đâu. Tôi chẳng biết làm gì hơn, lâu lâu tới gõ cửa phòng y tá trực để được trả lời là chờ tới giờ bác sĩ sẽ khám.
Khu bệnh viện lớn nhỏ ra sao thì tôi không rõ, chỉ biết được những gì trong tầm nhìn từ phòng bệnh trong mấy ngày ở đó. Phòng bệnh miễn phí (mà người ta còn gọi là nhà thương thí) dường như nằm ở một góc cuối cùng của bệnh viện, khu vực có dạng như chữ L, nét đứng là dãy nhà hộ sinh, nét nằm là căn phòng 20 giường đó dính với một căn phòng nhỏ của y tá, có một khoảng trống và tiếp đó là một dãy nhà khác, không dài lắm, rồi sau đó là hàng rào bệnh viện; nhà vệ sinh có 2 buồng nằm riêng ở ngoài, ngay đầu dãy nhà,  nên mọi người phải ra khỏi phòng mới đi được tới nhà vệ sinh. Từ phòng bệnh nhìn ra, phía bên phải chỉ là khoảng đất trống rồi tới hàng rào phía xa xa, nhìn qua phía trái là dãy nhà hộ sinh.
Khoảng 7, 8 giờ tối (không còn nhớ rõ là ngày hôm đó hay qua ngày hôm sau) thì có cậu Trực vào thăm, khi biết được là chưa có bác sĩ ghé thăm từ lúc nhập viện, cậu hùng hổ tới đập cửa phòng y tá : không có ai trả lời, cậu đi ra ngoài loanh quanh, la lớn kiếm nhân viên trực. Cơn giận của cậu đã có hiệu quả ngay lập tức, khoảng 10 phút sau thì thấy y tá mang nước biển tới để chuyền cho Phong. Buổi tối hôm đó Phong vẫn sốt dật dờ, thỉnh thoảng nói nhảm và có một lúc đòi leo lên cái cọc mùng như người bị mộng du vậy.
Sáng hôm sau, Phong có vẻ khá hơn nhưng tại sao thấy cánh tay nối với chai nước biển sưng tấy lên, tôi đi kiếm y tá nhờ kiểm tra, họ bảo kim bị trệch ra ngoài ven vì cọ quậy nhiều quá nên phải đâm lại chỗ khác, y tá bắt đầu lần mò tìm chỗ đâm kim trên cách tay khác. Thuở nhỏ Phong có làn da trắng trẻo, mịn màng như con gái, thêm vào mấy ngày suy yếu nên mạch lặn đi đâu hết cả, y tá phải đâm mấy chỗ mới tìm ra được nhưng nửa tiếng sau thì chỗ mới lại có dấu hiệu sưng lên. Nhận thấy địa điểm thông thường nơi khuỷu tay không bảo đảm lắm, vì Phong không tỉnh táo để nằm yên, nên y tá phải thử qua chỗ khác, lại loanh hoay đâm tới đâm lui mấy chỗ quanh cổ tay và rốt cuộc thì thành công trên lưng bàn tay; cô y tá cũng không quên dán thêm mấy hàng băng keo và còn cho thêm một tấm ván nhỏ để quấn cả cánh tay vào đó cho cái kim được nằm yên vị trí. Ngày hôm đó có bác sĩ tới khám, chỉ thị cho y tá bơm thêm thuốc vào chai nước biển và dặn tôi phải canh chừng để cho nước biển xuống từ từ, đừng để xuống nhiều quá vì sẽ bị lạnh. Cơn bệnh của Phong bắt đầu thuyên giảm, riêng cánh tay bị sưng vì đọng nước biển thì cũng từ từ trở lại bình thường nhưng có nhiều chỗ tím tái và phải mất nhiều ngày sau mới mất hẳn dấu vết. (Sơn : Lúc Phong bị bệnh thì anh dù đã nghỉ hè nhưng chưa về nhà mà đang ở trong xứ Thuận Nghĩa, nơi cha Báu. Khi về đến nhà thì thấy Phong đã ở nhà mà người xanh xao và ốm tong teo, thật tội nghiệp. Hình như lúc này Phong còn yếu lắm, ăn uống chưa bình thường và đi đứng cũng chưa vững. Sau đó vài tuần thì anh đưa Phong lên Đà lạt với cha Đạt, 2 anh em đi bằng máy bay. Khí hậu mát mẻ và sự chăm sóc của các chị nấu bếp nơi cha Đạt đã là điều kiện rất thuận tiện để Phong dưỡng bệnh và bình phục mau chóng).
Tôi quên hẳn lúc đó ăn uống ra sao, Phong nằm viện bao lâu và về nhà và về bằng cách nào. Nhưng có một khung cảnh vẫn còn in rất rõ trong trí nhớ của tôi cho tới bây giờ : suốt ngày ngồi bên giường nhìn ra ngoài, sinh hoạt đập vào mắt tôi là các cô y tá đi đi lại lại trên hành lang của dãy nhà hộ sinh. Thoạt đầu, tôi cũng thấy hơi lạ vì các cô đi những bước như đang đi diễn hành, lúc nào tay cũng kẹp một cái gì ngang hông; nhìn nhiều lần vì cô nào cũng có một tư thế giống nhau, tôi mới thấy không phải họ kẹp cái gì nhưng chỉ là giữ cho cùi chỏ sát người trong khi cánh tay đưa ra phía trước để đỡ cái gì. Cuối cùng thì tôi biết các cô y tá đỡ những đứa trẻ sơ sanh trong tay để chuyển từ nơi này qua nơi khác, nhờ đó tôi học được một tư thế ẵm con rất an toàn, rất chuyên nghiệp mà mãi đến hơn 20 năm sau mới có dịp mang ra thử nghiệm.
(Phong : Mỗi khi xem số tử vi của em đều cho biết lúc nhỏ có qua cơn thập tử nhất sanh là em liên tưởng ngay đến cơn bạo bệnh này (ngoài ra còn một lần bị xe lam cán qua người nữa). Năm đó trong chủng viện có dịch sốt thương hàn, nhiều người đêm hôm lên cơn mê sảng chạy tứ tung trong chủng viện phải mang đi cấp cứu. Nhà trường đã cho chích ngừa toàn trường rồi mới cho nghỉ hè sớm để tránh lây lan. Không hiểu sao tuy đã chích ngừa nhưng về nhà em vẫn bị bệnh này. Có lẽ thời gian nằm ở bệnh viện khoảng 1 tuần lễ. Những ngày đầu mê man không biết gì nhưng khi đã tỉnh lại thì mới thấy cô quạnh. Nằm đếm từng giọt xi-rum nhỏ xuống mà thấy thời gian trôi qua thật chậm. Khi con người rơi vào hoàn cảnh đau yếu, mới thấy thèm được sự chăm sóc, lo lắng của người thân. Anh Thạch lúc đó chỉ hơn một thiếu niên, được cha mẹ phân công theo dõi, canh chừng chứ chưa thể làm một người nuôi bệnh được. Nhưng có anh là cả một niềm an ủi rất lớn với em. Những buổi chiều khi anh đạp xe về nhà ăn cơm, em nằm trên giường mà cứ ngóng ra cửa sổ xem anh đã lên chưa. Anh có đến thì cũng chẳng làm gì cả, nhưng sao em vẫn cứ trông cho có anh bên cạnh.
Một vài hình ảnh còn đọng lại trong trí nhớ của em khi nằm ở bệnh viện là : khi mới vào phòng thấy người ta đưa ra một người nằm trên xe đẩy, mặt che khăn, chung quanh tiếng người khóc than, em tỉnh lại và biết là có người vừa chết và mình được nằm vào cái giường của người mới chết nằm. Trong phòng bệnh lúc đó có một người bị bệnh gì mà la lối quậy phá, người ta phải trói tay chân lại, cả phòng náo loạn với bệnh nhân này. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể chỉ còn xương và da. Em chỉ có thể nằm  nghiêng, không thể nằm ngửa được vì mông đâu còn thịt, khi nằm ngửa bị cấn xương chậu. Vì bị bệnh thương hàn nên phải kiêng ăn trong một thời gian sau khi khỏi bệnh. Thấy ai ăn gì cũng thèm nhưng không được ăn. Có lẽ do ảnh hưởng thuốc nên buổi tối em không ngủ được. Cả nhà ngủ cả, một mình mình nằm thao thức trên giường. Có một đêm khi đang nằm thao thức như vậy, em nghe tiếng bước chân người đi ngay bên cạnh nhà mình, hướng đi từ dưới bếp, dọc bên hông nhà và ra phía trước đường cái. Tiếng bước đi của một người mang giày kèm theo là tiếng lách cách của chén bát va vào nhau, nghe như tiếng người đi mang theo một giỏ trong đựng chén bát.. Em nghe rất rõ, bởi chỉ cách có bức vách gỗ. Lúc đó em không sợ gì cả, chỉ cố lắng nghe. Tiếng động đó tiếp tục lập đi lập lại. Em rón rén đến bên giường cha, đánh thức cha dậy và nói hình như có ai vào nhà mình lấy đồ. Cha thức dậy, len lén xuống bếp để quan sát khá lâu rồi mở cả cửa ra xem. Lúc sau cha lên, nói không có gì cả và lên giường ngủ lại. Em vẫn không ngủ được và lại tiếp tục nghe tiếng động như ban nãy. Nếu trên đời này có ma, thì đây đích thị là ma vì lúc đó em rất tỉnh táo chứ không mộng mị hoặc bị ảnh hưởng tâm lý gì cả.) (Sơn: Khó mà xác định đó là ma hay chỉ là tưởng tượng. Điều chắc chắn là chỉ có Phong nghe, còn cha không nghe thấy gì cả. Nếu thực sự đó là hiện tượng ma quỷ thì sự xuất hiện của cõi âm phải có chủ đích, hoặc là để nhắn nhủ điều gì hoặc là đòi hỏi điều gì.) (Trinh : Theo em thì không phải là ma, mà do mình đang đau bệnh thì thường thấy những điều rất kỳ lạ. Em nhớ là khoảng năm 1977 em đang bị sốt rét nằm trên giường, trên vách nhà bằng ván có một lỗ hổng nhỏ bằng đầu ngón tay, đang giữa ban ngày tự nhiên em thấy như có ai cứ thổi phù phù vào cái lỗ đó tiếng thổi rất mạnh, cái mắc áo treo cái áo sơ mi của cha ở gần đó cũng bị lắc dữ dội nhưng lại không bị rơi xuống. Em kêu Nguyên hay Thủy vào xem sao thì nó không thấy gì cả và cứ cho là em đang mê sảng. Sau khi hết cơn sốt em dậy và quan sát rất kỹ nơi lỗ hổng thì chẳng có ai cao đủ để đứng thổi vào đó và cái áo vẫn được treo ngay ngắn trên mắc chẳng có dấu hiệu gì khác là cả. Lần thứ 2 là vào mùa hè năm 1997 khi chị Vân đi mổ ở bênh viện BMT, đêm ở lại bệnh viện. Lúc đó em đang bị bệnh cường giáp nên khó ngủ, đêm đó em không hề chợp mắt đến khoảng 4h30 sáng em thấy anh Thế đến đứng ở hành lang ngay bên cửa sổ, em thấy rõ anh Thế nhìn vào phòng và anh mặc cái áo thun sọc ngang màu xanh (áo thường hay mặc). Cửa sổ là cửa kính mà đèn thì sáng trưng. Em nghĩ là anh Thế không ngủ được nên dậy sớm lên thay cho em. Nhưng sao mãi không thấy anh Thế đi vào phòng, em cứ nghĩ là anh đi đâu đó. Đến gần 7h sáng anh Thế đến không mặc cái áo thun sọc ngang màu xanh nữa em mới hỏi hồi sáng sớm anh đến đây phải không, anh Thế trả lời là không, anh nói là anh mới thức dậy là tới bệnh viện liền đây và lúc đó em mới hiểu rằng do mệt nên em bị ảo giác. Anh Phong à , lúc đó anh mới đau dậy nên dẫu có đang tỉnh táo thì thần kinh mình cũng không khỏe mạnh bình thường, nên anh nghe thấy những điều đó cũng không có gì là khó hiểu cả và chắc chắn là không phải ma đâu anh ạ.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét