Trong xóm nhà mình bây giờ có nhà ông bà Thủy. Chủ nhân trước đó là ai thì em không còn nhớ tên nhưng nhớ là đã từng có một ông thầy tu đeo kính cận, khi em còn rất nhỏ có những buổi sáng đi xuống đó chơi với một anh bạn tên Tân, cháu của ông ta.
Phong cách của ông thầy đó khác hẳn với những người thường, khi gặp lần đầu tiên ổng hỏi rất kỹ: cháu tên gì, con ai,...mình ấp a ấp úng thì ổng chờ đợi, nhắc lại câu hỏi, rồi ổng cho phép chơi cái này chơi cái kia, ổng có truyện tranh và sách dành cho thiếu nhi, cũng có một cái đàn gõ nữa. Đọc những cuốn sách thiếu nhi có hình thích vô cùng. Có lần em mượn sách ổng cũng cho và hỏi “mượn khi nào trả?”. Phải công nhận đây là cách cư xử rất đặc biệt bởi vì lúc đó mình có yêu cầu gì thì luôn bị người lớn nạt, còn ông này lại sẵn sàng đáp ứng và nói chuyện trao đổi với mình. Câu hỏi khi nào trả đúng là có ý giáo dục tinh thần trách nhiệm về việc mượn sách. (Sơn: Giang viết về ông thầy tu đeo kính cận làm anh nhớ lại kỷ niệm với thầy Bính bởi vì người đó chính là thầy Bính, bạn của anh. Anh không hề quen biết thầy Bính trước đó, nhưng vì ở gần nhà có dịp đi làm rẫy chung nên anh làm quen và hỏi thăm thì mới biết thầy Bính là một cựu tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế đã hồi tục từ lâu rồi, và ông ấy đã lấy vợ. Người vợ của ông ta là em của cha Cương, cha sở của một giáo xứ nào đó trong vùng Đakmil mà anh không nhớ rõ tên. Trước giải phóng, thầy ấy là thông dịch viên tiếng Đức cho tòa đại sứ Đức ở SG và dạy học thêm nên cuộc sống sung túc giàu có lắm. Sau giải phóng khi về lập nghiệp ở Dakmil thầy ấy vẫn còn chiếc xe hơi Mini Austin của Anh quốc và nhiều máy móc vật dụng đắt giá trong nhà. Có một lần thầy ấy cho anh mượn cái máy xay thịt bằng tay, anh mang về nhà bỏ khoai sắn (củ mì) vô xay ra thành sợi. Điều tội nghiệp là vợ của thầy chết sớm lắm, hình như khi vừa sinh đứa con trai đầu lòng, hay sau đó vài tháng gì đó. Khi anh còn đi lại với thầy Bính thì không gặp người cháu tên Tân, mà chỉ gặp con trai của thầy tên là Long. Sau khi anh đi khỏi Xã đoài vài năm thì thầy ấy cũng đưa con đi nơi khác, không biết đi đâu. Trái đất tròn ! Vì vào năm 1993, anh đang chuẩn bị qua Pháp đám cưới thì gặp thầy Bính tại Montreal, và cả Long người con trai của thầy nữa. Nhưng sau lần đó lại mất liên lạc với nhau vì đổi nhà dời nhà. Anh tiếc lắm ! Trái đất lại tròn một lần nữa vì nhân dịp đám tang của một cha dòng Tên vào tháng 2 năm 2010, anh và anh Thạch lại tình cờ gặp được thầy Bính cùng với Long, người con trai duy nhất. Thầy Bính là một người tốt, nên không lạ gì mà em đã được đối xử tốt như thế !)
Nhưng ấn tượng nhất là mệnh lệnh: “Tân! Làm việc!”. Có lần đang chơi trước sân nhà, nghe mệnh lệnh xong em mới hỏi thằng Tân là làm việc gì, nó nói là hết giờ chơi rồi, giờ phải học rồi phải làm việc này làm việc kia, mọi thứ đã được sắp lịch rồi, hễ nghe nhắc làm việc là Tân tự biết phải làm gì. Bài học cho mình lúc đó là: khi nghe mệnh lệnh của Tân thì Giang phải cuốn gói đi về nhà. Bây giờ các cháu Vệ, Mục, Tinh, Loan Giao, Quỳnh Giao, Tường Thụy, Bờm có nhận được sách vở đủ loại từ cậu/chú/bác Giang thì đều xuất phát từ cách giáo dục của ông thầy đó hết.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét