Năm 1972, lúc gia đình chuyển tới miền cao nguyên đất đỏ để lập nghiệp thì cậu Phan là người đã dựng nhanh cho gia đình căn nhà gỗ để ở tạm. Với tính tháo vát và tay nghề thợ mộc của cậu, căn nhà được góp dựng toàn bằng những cây gỗ nhỏ, cột trụ nào cần chắc thì cậu ghép 2-3 cây cho chắc. Nếu tháo rời tất cả thì không ai nghĩ đó là bộ xương của một căn nhà cho cả chục người sinh sống, vì chẳng thấy cột cái, cột con đâu cả.
Năm 1975, sau khi cha đi học tập về, thấy hoàn cảnh bị cô lập ở một nơi không người quen biết, lại có tin phong phanh thu đất, phóng đường nên cha bèn đi một chuyến thăm dò Đức-minh, từ đó quyết định thêm một lần nữa di cư lập nghiệp. Cô Nhuận và anh Canh, mỗi người tặng cho gia đình mình nửa miếng đất dính nhau thành ra mảnh vườn bây giờ.
Có mặt ở nhà, ngoài cha mẹ, có tôi 18, Vân 16, Trinh 12, Nguyên 11, Thủy 8, Quang 6, Giang 3 và bé Vũ 4 tháng. Khỏi cần phải phân chia vì ai cũng biết mình phải làm gì, thế là từ sáng sớm mọi người đã bắt tay vào công tác : cha và tôi lo leo trèo tháo dỡ, Nguyên chạy lon ton ở dưới để được sai vặt lượm đinh, đưa kềm búa, những em khác chắc núp chơi trong nhà bếp. Đồ đạc trong nhà đã gom lại hết cả, chuyển ra để ở khoảnh sân xi-măng nho nhỏ trước nhà bếp.
Khởi đầu bằng việc tháo mái tôn, rồi đến những tấm ván tường. Sau khi căn nhà chỉ còn là bộ khung mới là lúc căng nhất : tuy đã có đánh dấu nhưng 2 cha con phải rán làm sao nhớ những mấu chốt để có thể ráp nối lại được căn nhà như cũ. Có một lúc, ngồi trên cao, thoáng thấy có bóng người tạt qua, sau đó thấy Nguyên chuyển lại một lá thư, không nhìn cũng biết là của cô bé Nga, cô bé mà có lần mẹ thắc mắc khi thấy có người cứ lấp ló, thấp thoáng trong vườn nhà mình, là tác giả của những chữ tắt để lại trên những tảng đá, những gốc cây trong vườn.
Hơn nửa ngày thì căn nhà đã được tháo dỡ xong, cha đã thuê một chiếc xe tải lớn để chở tất cả đồ đạc trực chỉ Đức-minh. Chuyện cả gia đình di chuyển về Đức-minh cách nào thì tôi không còn một chút ký ức gì cả, hình như hai cha con cùng theo xe tải về Đức-minh thì phải?
Xe về tới Đức-minh lúc trời đã về chiều, đồ đạc được đổ xuống ngay tại vườn, giữa những hàng cây cà-phê. Tối hôm đó, cha và tôi phải ngủ lại trong vườn để canh giữ đồ đạc, đêm cuối tháng 12 khá buốt, hai cha con dùng mấy tấm tôn gác giữa hai đầu giường để che sương mà ngủ, quấn mấy tấm mền mà vẫn rét run.
(Trinh : Em còn nhớ hôm đó là ngày 26 tháng 12, đêm trước ngày dời nhà anh Thạch và anh Mỹ bạn anh Thạch thức suốt đêm ở dưới vườn cà phê, em có cảm giác anh Thạch đang rất quyến luyến vùng đất này. Còn Giang thì không chịu đi, trong thời gian dọn nhà Giang cứ nói là em ở lại một mình, em sẽ ở với Chúa, khi nào trời thấp xuống thì em sẽ cạy trời để lên ở với Chúa. Nhưng rồi cuối cùng thì cả nhà cũng đã lên xe, em không nhớ giờ khởi hành nhưng biết là chiều thì tới nơi , xe dừng lại trước nhà thờ, một lát sau em thấy cha lúc đó mặc áo pyraket và đi chân không cùng với một người nào đó vội vã đi lên phía trên dốc, một lúc sau quay lại thì ra là trước nhà thờ có cái cổng chào MỪNG CHÚA GIÁNG SINH nên xe không đi qua được, cha phải đi lên nhà ông Giáo (lúc đó là chủ tịch hôi đồng giáo xứ) xin hạ cái cổng xuống. Lúc đó em mới hiểu vì sao cha phải vội vã như vậy đến nỗi không kịp mang dép vì nếu không được phép hạ cái cổng chào xuống thì sẽ phải dỡ đồ đạc xuống ngay tại đó lại phải thêm một khâu di dời đồ đạc nữa rất vất vả).
Qua hôm sau, những người quen biết tập trung lại, bắt đầu dọn dẹp chỗ để dựng lại căn nhà. Ai nhìn đống gỗ cũng phì cười và không nghĩ căn nhà sẽ đứng được lâu. Nhờ đã đánh dấu và ghi nhớ các cấu trúc nên công việc khá trôi chảy, khởi đầu cho một chuỗi ngày nơi vùng đất mới, căn nhà vẫn tồn tại cho tới lúc xây nhà mới.
(Vân: Cuộc dọn nhà không ghi nhiều dấu ấn, em chỉ biết lễ Giáng Sinh xong cả nhà mình được chuyển về Đức Minh trên một chiếc xe tải lớn. Điều nhớ nhất là cái lạnh thấu xương (đắp chiếu mới chịu nổi) khi về tạm trú chỗ nhà anh Thái (ông Đào). Từ đâu em trở thành một lao động thực thụ. Ông Hảo cho một số đất, thế là cha mẹ và em đi dọn đất để làm hoa màu. Vì là đất mới còn cây lớn ngổn ngang nên ngày nào cũng đốt (không có cưa như bây giờ) cứ bẩy cây sát nhau rồi kiếm mồi đốt và bữa ăn trưa là một nồi cơm nếp xéo khoai (10 bữa như 1) mà trời thì nắng (dọn rẫy vào mùa nắng) và ăn cơm nếp nữa thành ra khát nước dữ dội đến nỗi cha phải nói với em “muốn uống nước thì cứ im lặng mà đi” vì mỗi lần uống nước em lại hỏi cha có uống không? (chỉ có cha và em là hay uống nước còn mẹ thì ít uống hơn). Đến thời kỳ có bắp ăn thì đi rẫy đỡ đưa cơm và ăn bắp luộc, khi bắp bắt đầu già thì lại đưa chảo đi để rang, bữa ăn thật đơn giản nhưng đượm tình gia đình.
Khi công việc nhà làm xong thì lại đi làm cho Ô (dượng) Phúc , hái cà phê cho Ô. Canh, Ô Hòa, bà Nhuận. Khi đó chỉ biết đi làm chứ không biết có được tiền hay chỉ là để đền ơn. Cũng có thời gian đi làm cho cậu Phan, cậu Hải, ở suốt cả tuần ngoài đó, về nhà ru em cho cậu Hải, không biết em đã hát bài gì mà chỉ nhớ bà Kính vô nói là “tau tưởng máy hát”.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét