22/4/10

Mạch suối nguồn

Giếng nước ngọt nuôi sống cả nhà hiện nay tại Xã Đoài đã có từ khá lâu. Thế hệ của cha mẹ và các anh chị em mình đã ăn uống tắm giặt từ những dòng nước ngọt chảy ra từ đó và bây giờ, đến đời các cháu, Diệu Đan, Duy Hệ con của Vũ cũng tiếp tục uống nước đó mà lớn lên. Mạch nước trong lành tươi mát từ lòng đất vọt ra là của trời, nhưng nó mang lại mát mẻ sạch sẽ đến được với từng người trong gia đình mình, đó chính là nhờ vào bàn tay và công sức của Thạch và Sơn và anh Thế. Hình như phải kể thêm công khó của Nguyên và Trinh nữa, vì tuy 2 em lúc này còn nhỏ lắm, nhưng cũng túc trực kế bên để các anh sai vặt.

Đó là vào khoảng đầu năm 1978, sau khi rời GHHV về nhà được một thời gian, anh với anh Thạch mới bàn tính với nhau đào giếng. Bây giờ anh không còn nhớ trước khi đào giếng mới thì mình dùng nước từ đâu và bằng cách nào. Anh cũng quên béng chuyện mua bi ở đâu và ai chở về nhà cho mình. Anh chỉ còn nhớ là 2 anh em bắt đầu hì hục đào từ buổi sáng và công việc tiến triển tốt đẹp vì trong khoảng 3 hay 4 mét đầu tiên không có đá lớn hay chướng ngại nào đáng kể. Khi xuống sâu hơn thì có gặp một ít đá, nhưng vẫn không quá lớn nên hoặc là có thể moi ra chuyển lên, hoặc là đục cho bể dần. Nhưng khi đã xuống khá sâu, và ngập vài tấc nước thì không thể xuống sâu hơn được nữa, vì gặp một phiến đá rất lớn và dày, chiếm gần nửa diện tích mặt giếng, nên đành dừng lại.
Chuyện đào giếng thì ít nhớ mà anh lại nhớ chuyện bên lề. Đó là khi vừa mới bắt tay vào việc ngày đầu tiên, đang ở dưới giếng thì nghe mẹ hay ai đó kêu anh lên nói là có anh Ngọc-ngạt đến tìm kêu lên xã trình diện. Ngọc-ngạt là nhân viên an ninh của thôn. Khi anh leo lên được miệng giếng thì anh ta đã ra về, chỉ để lại lời nhắn như vậy thôi. Anh cũng quên mất là không biết có giấy triệu tập ghi ngày giờ rõ ràng gì không. Rốt cuộc anh chỉ nghe nói về anh Ngọc-ngạt mà chưa bao giờ gặp mặt anh ta. Ngày hôm sau anh lon ton đi lên xã, tâm trạng lo âu hồi hộp vì không biết điều gì chờ đón mình …
Trong thời gian anh đi lên xã thì anh Thạch ở nhà tiếp tục đào giếng hay là anh Thạch nghỉ chờ anh về, anh quên mất. Chỉ biết là buổi chiều hôm đó, sau một ngày làm việc với anh công an tôn giáo vận từ Ban mê thuột xuống, thì anh ra về và ở nhà luôn.

Thạch: Gia đình dọn về Đức-minh đã hơn 2 năm nhưng chưa có giếng, áo quần hình như được mang xuống suối (có phải là Cầu Gãy?, trước nhà anh Quế) để giặt, còn nước uống thì xài nước mưa hứng từ mái nhà và chắc là đi gánh thêm trong mùa nắng. Không biết nổi hứng thế nào mà hai anh em quyết định đào cái giếng, địa điểm khởi đầu được chọn là bên hông nhà, hướng nhà bà Thống, trước chuồng heo. Mới đào xuống được khoảng gần 2 thước thì đụng ngay đá tảng tổ bố, anh em quyết định dừng lại đó và tìm địa điểm khác. Suy đoán có nhiều khả năng đụng đá nữa nếu đào lỗ khác quá gần địa điểm cũ nên anh em đổi hướng hoàn toàn qua chỗ giếng bây giờ. Lỗ giếng bị vướng đá được nới rộng cho vuông vắn để làm hầm phân cho một cái chòi nhà vệ sinh được xây dựng tiếp theo.

Không đơn giản như đào giếng ở vùng đất cát: đặt bi và vét cát để bi tự tụt xuống, đào giếng ở vùng đất đỏ tốn công hơn nhiều vì đất thì cứng mà lại phải đào sâu. Hai, ba thước đầu thì công việc tiến triển tương đối nhanh lẹ vì chỉ việc thay phiên nhau, người ở dưới khoét đất, hốt và chuyển bằng tay lên cho người đứng trên, đào xuống càng sâu thì kết quả càng chậm lại vì phải dùng dây cột vào thùng để kéo đất lên, người ở dưới phải đội mũ sắt để phòng ngừa bị đá rớt trúng đầu. Làm việc không có hạn giờ, cũng chẳng thu công phí nên anh em rất thoải mái, tà tà làm việc, sẵn có cái radio-cassette được anh Minh (cô Nhuận) cho mượn nên anh em vừa đào giếng vừa nghe nhạc ngoại quốc trên các băng tần làn sóng ngắn, dạo đó bản nhạc “How deep is your love” của ban The Bee Gees đang làm mưa làm gió trong các bảng xếp hạng Billboard, Top Ten.

Đã đào xuống được khá sâu mà chưa đụng phải đá tảng nên anh em rất phấn khởi, càng phấn khởi hơn khi thấy đất càng lúc càng ướt: dấu hiệu của mực nước gần kề. Và đến một ngày thì nước bắt đầu xuất hiện, cả nhà đều mừng vì mục đích đã gần đạt tới,  nhưng công việc thì bị chậm hẳn lại vì lúc này còn có thêm công đoạn tát nước. Từ độ sâu khoảng 10 thước, phải kéo múc hết nước lên, đào, khoét, rồi lại múc kéo cả đất, cả nước lên, lại phải làm lẹ tay để cho nước mới ra không kịp ngập: ai cũng thấm mệt và lem lấm nước bùn.
Công việc không tiến triển như mình mong muốn, chỉ mới được khoảng một tấc nước thì có một tảng đá lộ diện, may là chỉ choán một phần giếng nên anh em vừa rán đẽo tảng đá vừa moi sâu thêm phần còn lại. Công đoạn đào giếng được coi như hoàn thành khi giếng đủ nước để múc mỗi lần khoảng 10 gàu liên tiếp, dẫu muốn đào sâu thêm một chút nữa nhưng anh em đành thúc thủ, tạm ngừng và hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục đẽo thêm.

Có lúc Thế đề nghị gài kíp nổ để phá đá nhưng vì tìm kiếm kíp nổ khó khăn và có thể gây nguy hiểm hoặc làm sụp giếng nên anh em đã không tiến hành theo chiều hướng đó. Không làm ở thời điểm đó, không biết những năm tháng sau này khi các anh đã đi xa, cái giếng có được “nâng cấp” hay không?

(Giang: Em cũng còn nhớ là các anh phải đào tới cái giếng thứ hai thì mới có nước, khi đã hoàn thành rồi vẫn còn một cục đá nhô ra khoảng 1/3 thiết diện nằm ở gần mặt nước. Vì cái cục đá này mà em rất khó khăn mỗi khi thả gàu (nhớ thời đó lại gọi bằng “đài”) xuống giếng, thả xuống hay kéo lên cũng phải lựa tư thế để né cục đá đó. Không biết mỗi cái “đài” xài được bao lâu mà cứ một thời gian thì lại có cái “đài” khác, tất cả đều không mấy an toàn và chắc chắn, có lúc cột cả cái xô sắt thả xuống múc nước quay lên thật là khổ sở. Rút kinh nghiệm, mấy chị em thả “đài” căn cho nó múc khoảng một nửa rồi quay lên cho nhẹ. Có khi thì “đài” đứt dây rớt luôn xuống giếng phải kiếm thùng khác cột vào. Ban đầu hình như dùng dây “mũi bò” để kéo nước, sau này có một sợi dây dù rất tốt và tay quay có gắn bạc đạn, không biết sứ mạng của nó chấm dứt lúc nào.
Ngoài chuyện đào giếng, em còn nhớ chuyện đào hầm trú ẩn nữa, hình như chỉ có anh Thạch với cha mà thôi, đào ngay ở trước nhà phía ông Vạn, chắc chắn là không có dịp nào để trú hầm nên cuối cùng lại lấp đi.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét