22/4/10

Nhặt rác

Thời gian định cư ở Phan Thiết, nhà mình lúc đầu ở đối diện với cổng lao xá (trại giam phạm nhân), góc đường đi vào nhà thờ Vinh Thủy (nay đã bị phá bỏ thay bằng khách sạn Novotel) ; sau này dời lên một đoạn khoảng 100m cũng nằm ở mặt tiền đường nhựa (nay là đường Thủ Khoa Huân), đối diện với đường vào nghĩa địa đồng thời là sở rác (là nơi rác được tập trung để thiêu hủy). Khu vực sở rác bây giờ đã biến thành một khu dân cư sầm uất, nhà cửa san sát nhau. Cư dân ở đây chắc cũng không ngờ mình đang ở trên một bãi tha ma và bãi rác cũ.Thỉnh thoảng mình cũng có dịp ghé nhà một người quen ở khu vực này và ký ức thời niên thiếu lại trở về.

Cha lúc đó đi làm công chức nhà nước. Mẹ ở nhà nội trợ và nuôi thêm heo, chỉ nuôi heo nái chứ không nuôi heo thịt. Mẹ rất mát tay, nuôi heo đẻ lứa nào cũng mười mấy con to khỏe, nuôi một vài tháng là xuất chuồng, có tiền để trang trải cho lũ con ăn học. Mình lúc đó đang học lớp 5. Buổi sáng đi học, buổi chiều ở nhà phụ mẹ dọn chuồng heo. Phân heo được hốt bỏ vào một cái thùng sắt (loại thùng bằng sắt đựng dầu ăn khoảng 20 lít được đục bỏ mặt trên, thường gọi là thùng sắt tây) để bán cho những người chuyên đi thu mua phân heo. Tiền bán phân được bao nhiêu (khoảng 5 đồng 1 thùng, tiền thời đó) mẹ cho hết để ăn quà vặt, mua bút mực. Ngoài việc tắm heo, quét dọn chuồng heo còn một việc mình làm cũng có liên quan đến heo nữa là đi nhặt thùng giấy cạc-tông để về nấu cháo heo.

Hằng ngày, cứ khoảng 3,4 giờ chiều, chiếc xe chở rác (loại giống như xe ben chở cát bây giờ nhưng ọp ẹp lắm) lại xuất hiện với tiếng leng keng phát ra từ những va chạm giữa các đồ đạc bắng kim loại mà người lấy rác tận dụng được treo lỉnh kỉnh trên thùng xe khi xe lắc lư do lọt vào những ổ gà ngay đầu đường đất đỏ dẫn vào sở rác. Mình vớ vội cái mũ, chạy theo ngay sau xe, khi bụi đường chưa tan. Ngày ấy, người ta chưa biết tận dụng rác để tái chế nên không có ai đi thu mua ve chai cũng như không có đội quân đi lượm rác đông đảo như bây giờ. Đồ không xài nữa là bỏ thùng rác để đem đi đổ, trong đó có những thùng giấy cạc-tông là cái mà mình có thể lấy về xé nhỏ ra để đun nấu. Xe vừa đổ rác xuống là mình nhào vô để nhặt nhanh những thùng giấy, không lấy kịp nó sẽ bị cháy hết.  Khi xe đổ xuống, nhiều thùng giấy nằm ở dưới, bị các loại rác khác đè lên, phải bới lên mới có thể lấy được. Rác lúc nào cũng cháy âm ỉ ở bên dưới, khói bốc lên bay táp vào mặt, thỉnh thoảng bùng lên thành ngọn lửa rồi lại tiếp tục âm ỉ. Nhiều khi mình bị sụp chân xuống lớp tro nóng nhưng may mắn chưa lần nào bị thương tích gì cả. Giữa bãi tha ma vắng vẻ, bên những đóng rác cao như núi đang âm ỉ cháy, mình lúc đó chẳng thấy sợ hãi gì cả, chỉ biết làm xong việc, có giấy cho mẹ nấu được vài nồi cháo heo. Giấy được xếp gọn, dồn thành từng đống. Mẹ mang quang gánh ra để gánh về. Hôm nào giấy ít, mẹ tranh thủ cắt thêm một ít cỏ dền gai, bỏ thêm vào cho đầy gánh. Dền gai là loại cỏ giống như rau dền nhưng cao lớn hơn và thân thì đầy gai nhọn, mọc rất tốt ở sở rác, có thể băm nhỏ nấu cho heo ăn. (Quang : Em cũng biết loại rau dền gai này, khi ở Đakmil em hay cùng mẹ hái rau này về băm nấu cho heo ăn, rau này còn sống gai rất cứng nhưng khi nấu chín thì mềm lùi đâu mất). Hôm nào nhặt được nhiều thì mình phải phụ với mẹ mang giấy về. Thùng giấy xếp lại thì gọn và nhẹ nhưng cồng kềnh. Với tầm vóc của một đứa trẻ mới mươi tuổi đầu thì không thể vác hoặc mang xách được mà chỉ có đội lên đầu mà đi.

Trong một lần đi nhặt thùng giấy như vậy, mình được tham gia một cuộc ‘hôi của’ có một không hai. Chiều hôm đó, khi đang lang thang nhặt thùng giấy thì thấy có mấy chuyến xe tải chở đầy những bao màu trắng vào sở rác và chất thành đống to cao như cái nhà. Sau này mình mới hiểu ra là người ta đi thiêu hủy bột mì quá ‘đát’. Lúc đó chỉ có mấy nhân viên đi làm nhiệm vụ, mình và mấy đứa trẻ chăn bò đứng xem. Một lúc sau, người dân biết được bắt đầu kéo đến rất đông, đứng xung quanh đống bột mì đã được bao quanh bằng dây thép gai. Người ta canh chừng không cho ai đụng đến, sau đó tưới xăng lên và châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bùng lên cũng là lúc một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra. Mọi người có mặt nhảy vào, kéo dây kẽm gai, dập tắt lửa và lấy bột mì. Họ giành giật, xô đẩy nhau. Mình cũng nhảy vào ‘tham chiến’. Lôi được một bao ra, thả xuống, vào lôi tiếp bao khác ra thì bao bên ngoài đã bị ai đó lấy mất rồi.Với sức lực của một đứa con nít thì kéo được một bao bột mì (có lẽ nặng khoảng 30-40kg) là cả một vấn đề. Cuối cùng đành phải đứng giữ bao mình lấy được và chịu đứng nhìn thiên hạ tranh giành nhau. Lúc đó, nhà nào biết tổ chức, cho 1 người đứng canh giữ còn lại cứ vào kéo ra thì sẽ lấy được nhiều. Lúc sau, cha cũng có ra nhưng 2 cha con không gặp nhau nên kết cục mỗi người cũng chỉ lấy được một bao. Gần như số bột mì được lấy hết, chỉ có một vài bao bị cháy vỏ bao, bột đổ tung tóe ra đất không thể hốt lại được. Thật tội nghiệp cho dân mình, do nghèo khổ, thiếu thốn mà phải giành giật nhau thứ đồ bỏ đi. 
(Sơn: Kỷ niệm về lượm rác của Phong làm anh rất cảm động. Đã từ lâu, nhất là từ khi rời xa gia đình và quê hương, anh mang tâm tình biết ơn đối với các em từ Thạch, Vân, Phong trở xuống, vì anh nhận ra rằng khi anh với chị Tuyết đi rồi, bao nhiêu gánh nặng công việc ở nhà để phụ giúp cha mẹ đều đặt lên vai các em hết. Anh với chị Tuyết sinh ra và lớn lên trong thời đại sung túc, ít con cái nên không có những chật vật lo toan như về sau này. Phong kể lại chuyện đi lượm rác, anh thấy xôn xao một nỗi niềm thương cảm, nhưng anh biết còn có bao nhiêu công việc cực nhọc không tên tuổi khác mà các em phải cáng đáng hàng ngày, ngoài việc học hành ở trường: tụi em phải đan lưới thêm kiếm tiền, phải nấu cháo heo, phải đi mót lượm đủ thứ… Như thế để đỡ phần công việc cho cha mẹ đã đành, mà còn để cung cấp cho anh đi học ở xa nữa. Anh nghĩ bây giờ anh có làm cho các em được gì thì cũng chỉ để nói lên lòng biết ơn các em đã “nuôi” anh khi xưa mà thôi.)

2 nhận xét:

  1. Gia đình anh chị, cô bác hiện định cư ở đâu vậy ạ? Có hay về giáo xứ Vinh Thủy thăm không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gia đình không còn ở xứ Vinh Thủy nữa bạn ạ, mỗi người mỗi nơi cả rồi, và cũng không còn nhiều liên hệ với Vinh Thủy để mà về thăm.

      Xóa