13/4/10

Tuổi thơ ở đồn điền Quản Lợi

Cha rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Cha sợ để cho con chơi với chúng bạn bắt chước những điều không tốt nên không cho đi chơi với con nhà hàng xóm mà cũng không cho ai tới nhà chơi. Hôm đó cha đi làm. Ở nhà có một con bé nào đó đến nhà chơi. Thấy cha về nó sợ, vội vàng bỏ chạy làm rớt tấm ván chắn trước hiên nhà đập vào chân chị, đau khóc quá trời. Không biết có phải sau đó cha bồng chị còn đang khóc, mẹ bồng Sơn, chụp hình với gia đình chú Điều không ?

Lúc ở Quản Lợi chị đã được đi học. Lúc đó cha dắt chị đến học trường các sơ dòng gì chị không biết. Khi đi học thì học trò tụ lại ở một điểm rồi xe lại rước từng nhóm. Chị nhớ lúc đó cái cặp của chị nó như cái hộp sắt có sơn màu. Không biết chị đi học được bao lâu nhưng chị nhớ cứ mỗi ngày thứ năm là phải xếp hàng uống thuốc Kí ninh để phòng ngừa sốt rét. Mỗi lần như vậy mẹ cho chị tiền để mua bánh hoắc kẹo ngậm sau khi uống thuốc cho bớt đắng miệng. Chị để dành tiền mua bánh quy đem về cho em (lúc này chỉ có một em là Sơn). (Sơn : em còn nhớ chuyện chị đi học mang bánh về cho em những ngày chị uống thuốc ký ninh. Những ngày đó em rất mong chị về sớm, nhưng khái niệm ngày thứ năm thì hoàn toàn không có, vì ngày nào cũng giống như ngày nào và đều rất dài).
Chị không nhớ mình học trong bao lâu và dường như không có bạn bè nào cả. Chỉ nhớ có lúc đi học vào mùa lạnh, mẹ cho chị mặc một cái áo viện trợ dày mà cái ve áo trên cổ được kết bằng một lớp gì có dạng xồm xồm như lông cừu vậy. Chị thấy mình không giống ai cả nên xấu hổ quá chừng, giờ chơi chui vào trong góc kẹt đứng. Thật là con nít !!!
Chị học trong trường các xơ. Trường và sân trường rất lớn? Có những học trò được cha mẹ đưa đón bằng xe hơi. Lúc nhỏ có lẽ vì bị cha giữ kín quá không có cơ hội tiếp xúc nên chị rất nhút nhát, ứng xử vụng về. Chị nhớ một lần học với một xơ, vào giờ toán, phải có đũa để đếm. Chị không biết tính hoặc nói gì sai nên xấu hổ để tay lên miệng. Bà xơ ấy nói là « có muốn bú mẹ thì về nhà mà bú ! » Ôi chị cảm thấy xấu hổ bối rối và mất tự tin quá chừng. Hình ảnh đầu tiên về bà sơ đối với chị không tốt đẹp gì cả. May mà sau này khi đi tu chị không nhớ gì đến chuyện ấy cả !
Ở trường thì khù khờ vậy nhưng về nhà thì không ! Trước khi đi làm nhà cha thường hay ra toán cho chị làm. Và hẳn cha phải hài lòng vì chị làm toán cong trừ nhân chia rất giỏi!
(Sơn : Chị rất giỏi, em nghĩ chị là người học giỏi nhất nhà. Không những giỏi toán mà chị còn vẽ đẹp nữa. Khi chị đi học lớp đệ thất ở trường Chính tâm, chị đã vẽ những con sư tử hay con cọp bằng phấn trên bảng một cách tài tình mà em không thể bắt chước được. Sau này, chị đã thi đậu Trung Học hay đậu Tú Tài hạng Ưu hay Tối Ưu gì đó, tức là đạt số điểm rất rất cao).
Ngoài ra cha cũng dạy mẹ học và tập xe đạp cho mẹ nữa.
Lúc Hùng mất mẹ khóc nhiều lắm vì Hùng rất khôn và ngoan. Cha phải dỗ mẹ mãi mẹ mới chịu nín ! (Sơn : Em là đứa trẻ phát triển chậm. Khi Hùng chết, dầu đã hơn 2 tuổi rồi mà em chưa biết buồn biết sợ gì cả, rất thoải mái đi theo cha và chú Điều vô nhà xác. Em nhớ cứ mỗi sáng thức dậy là mẹ vừa đọc kinh vừa khóc vì nhớ con, hình như buổi sáng là lúc Hùng dậy chơi với mẹ và bú, bây giờ cũng buổi sáng mà không còn Hùng nữa nên làm mẹ nhớ nhiều hơn. Lúc đó em vừa nằm ngủ, vừa nghe mẹ khóc ấm ức, vừa nghe cha nói mẹ « nín đi »).
Ngày em mất chị cũng thương nhớ em lắm nhưng xấu hổ không dám khóc « công khai » bèn chui vào cánh cửa mà khóc rồi chùi nước mắt ngay.
Không biết có phải vì Hùng mất cha mẹ buồn mà có ý định dời cư hay không ? Chị cũng như anh Sơn, tuy không nói ra nhưng trong lòng cảm thấy buồn vô cùng khi phải ra đi. Lúc đó chị suy tính là sẽ lượm những chiếc lá cây, rồi ngày ra đi sẽ rải nơi mỗi nhà một chiếc lá để làm kỷ niệm ! Sau này khi rời Vinh Thuỷ để lên sống ở Banmêthuột chị cũng có cảm giác buồn nhớ như vậy.

Chị cũng nhớ là lúc nhỏ mấy chị em cũng thường bị đánh đòn. Sơn thì thường bị rầy nhiều hơn. Nhiều khi có tội chọc chị. Có một lần ở Quản Lợi, Sơn kể chuyện cho chị nghe, kể chuyện đấm đá gì đó không biết mà Sơn hứng lên lấy tay lụi vào bụng chị. Chị ôm bụng khóc, thế là Sơn bị cha nạt cho ! Có những lúc cả hai chị em bị đòn. Chị không nhớ có tội gì cụ thể nữa nhưng cách chung là tội không vâng lời. Mỗi lần như thế cha bắt lên giường nằm xuống chờ cha đến kể tội … Kể một lát thì cha phán quyết rằng : cha đánh cho 3 (hoặc 5) roi mà chừa, nhớ không được phạm nữa nghe không ? Đánh xong thì quỳ lên vừa khóc vừa xin lỗi không dám phạm nữa. Những lần có tội gì đáng bị đòn thì điệp khúc thường nghe cha nói là : “Thật cha đã hết lời, không còn biết nói gì mà dạy dỗ các con nữa ..!”
Lúc còn nhỏ chị hay có tật mà cha mẹ thường gọi là “lơ đễnh lơ đàng”. Cái tật mà đáng lẽ chị cả trong nhà không nên có ! Chị nhớ có lần mẹ đưa vào Sài Gòn, ở nhà của Dượng Tuyết và o Thiệp ở Xóm Chiếu. Không nhớ là ở bao lâu nhưng chị lại được đi học. Hình như chỉ đi có mấy bữa thôi vậy mà bữa thì bỏ quên bình mực, khi thì cái mũ, bữa khác thì cây thước kẻ … Đúng là con gái mà lơ đễnh lơ đàng. May mà cái bệnh này đến sau này lớn lên nó biến mất hồi nào chẳng hay. Bây giờ muốn lơ đễnh lơ đàng mà không được !
Có nhiều chị cả trong nhà rất giỏi giang siêng năng và quán xuyến. Nhưng chị thì rất ham chơi. Khoảng từ lớp ba trở lên chị có một người bạn rất thân là chị Dần. Chị thì rất giỏi toán mà kém luận văn. Tả cảnh hay tả người, chỉ có một trang giấy mà không biết phải viết gì vào cho nó đầy ! Chị Dần thì ngược lại dở toán mà giỏi văn. Đi học trong trường Vinh Thuỷ, mong cho mau tới giờ ra chơi để chơi u chơi cò cò, búng dây thung, chơi ô chơi đũa và nhảy dây. Ở trường chơi chưa đã, về nhà vừa coi em vừa nhảy dây tiếp. Thời ấy nhà mình bán cây. Mẹ vừa lo cho con nhỏ vừa lo chợ búa nấu nướng, còn phải bán cây bán lá. Mẹ chịu không nổi phải cấm nhảy và nói rằng con gái phải thùy mị đoan trang không được nhảy như ngựa vậy. Ở nhà thì sợ mẹ không dám nhảy nữa nhưng đến trường thì vẫn cứ tha hồ mà làm ngựa
Có lẽ khoảng 6 hay 7 tuổi gì đó mà chị chưa biết nấu cơm để giúp me. Mẹ mới nói với chị là chị An con bà Thảo ở nhà bên cạnh cũng bằng tuổi con mà đã biết nấu cơm rồi. Nghe vậy chị nổi máu anh hùng lo tập nấu cơm ngay. Đến khi biết nấu tử tế rồi, hỏi lại thì chị An đâu đã biết nấu cơm đâu. Đúng là mẹ ta thật tâm lý ! Ngoài ra thỉnh thoảng, có lẽ lớn hơn một chút, chị cũng đi chợ giúp mẹ. Chị không nhớ từ nhà tới chợ Ba Làng là bao xa, nhưng thời đó đi bộ chị thấy rất xa. Có lúc mua cá, không biết lựa cá tươi, đi cà rịch cà tang về đến nhà thì cá vừa ươn hết !!!
Khi hơi lớn một chút thì cha bắt đầu tập xe đạp cho chị. Chị ngồi lên trên xe, ở phía dưới vì chưa lớn đủ để ngồi lên yên. Cha chạy theo phía sau kềm xe cho chị đạp. Khi cha vừa buông tay ra là chị té ngay hoặc lủi ngay vào bụi. Cha tập cho chị nhiều ngày, chạy theo hụt cả hơi mà chị vẫn chưa chạy được.
Sau đó cha tập cho Sơn. Sơn chưa từng tập gì cả thế mà chỉ trong có một ngày Sơn đã biết chạy và cả tập chở nữa ! Cha cột cho Sơn một cục đá to ở phía sau xe. Sơn chở tỉnh bơ ! Tức quá chị cũng nhào ra chạy và bỗng nhiên lấy được thăng bằng và biết chạy xe luôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét