22/4/10

Thành phố sương mù

Đà Lạt được gọi là thành phố sương mù vì cứ sáng sớm khi mặt trời chưa ló dạng hoặc buổi chiều khi mặt trời khuất sau dãy núi là sương mù giăng mắc khắp nơi. Lúc đó, cảm giác như mình đang ở trên mây, lâng lâng khó tả. Cả thành phố như mờ mờ ảo ảo trông rất thơ mộng.

Mùa hè năm 1972 là lần đầu tiên mình lên Đà Lạt. Cha Đạt chở đi từ Phan Thiết bằng xe Daihatsu qua đường đèo Ngoạn mục. Đến Đà Lạt, mọi thứ đều xa lạ đối với mình, từ khung cảnh, chốn ăn ở, cách sinh hoạt đến con người. Thật may, vẫn còn một người thân đó là anh Sơn. Anh Sơn lúc đó đang học ở Giáo hoàng học viện. Thời gian mình lên ở tại chủng viện Chúa Chiên Lành thì anh sang ở đây luôn. Thế là mỗi chiều, sau khi ăn cơm, hai anh em thường đi dạo trong sân vườn có những cây thông cao, những bụi sim và hoa các loại hoặc tản bộ dọc trên đường Nguyễn Tri Phương, từ chủng viện cho tới cây xăng Kim Cúc rồi quay trở lại. Ở Đà Lạt mà đi bộ thì rất thú vị, vừa được ngắm cảnh thơ mộng vừa được thưởng thức cái lạnh ngấm vào da thịt. Trên đoạn đường này lúc đó rất vắng vẻ, lác đác vài căn biệt thự tọa lạc trên những khu đất rộng, có vườn hoa và cây cối um tùm.

Một buổi sáng, anh Sơn rủ mình đi bộ lên đồi thông ở gần nhà. Lúc bấy giờ, nhà cửa thưa thớt chứ không dày đặc như bây giờ. Cả ngọn đồi chỉ toàn cây thông. Lên đến đỉnh đồi có thể quan sát toàn cảnh một góc thành phố với nhà cửa nhấp nhô chen lẫn những mảnh vườn trồng hoa, trồng rau bên sườn đồi. Anh Sơn ngồi bên gốc thông học bài, chuẩn bị cho kỳ thi môn triết học. Mình lấy ‘cua’ của anh Sơn mang theo, đọc mà chẳng hiểu tí gì cả, đành lang thang nhặt trái thông khô rụng nằm rải rác trên đồi.

Cha Đạt có chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki. Một buổi sáng chúa nhật, anh Sơn mượn để chở mình đi chơi đập Đa Thiện. Ở Đà Lạt, mùa hè cũng là mùa mưa. Mưa bất kể sáng hay chiều, có khi kéo dài cả ngày. Hôm đó, trời cũng mưa nhưng không lớn lắm, anh Sơn quyết định vẫn đi vì chờ hết mưa thì không biết đến bao giờ. Quãng đường từ nhà đi qua thành phố là đường nhựa nên xe đi bình thường. Ra khỏi thành phố, bắt đầu đi vào đường đất đỏ. Trời mưa nên đường trơn trợt. ’Tài xế’ vẫn rán giữ vững tay lái để vượt qua đoạn đường này. Nhưng không được nữa rồi : chiếc xe loãng quạng, mất thăng bằng, ngã và trượt tự do trên lớp bùn đất đỏ nhão nhẹt. Rất may, cú ngã không làm ai bị thương tích gì cả chỉ có điều quần áo lấm lem đất bùn đỏ. Cả mặt đường đều trơn ướt, người mình còn đứng không vững nên phải cố lắm mới dựng được chiếc xe lên. Thế là phải quay về, bỏ dở chuyến đi chơi để thưởng ngoạn một thắng cảnh của Đà Lạt.

Đến Đà Lạt ngoài phương tiện xe đò đi qua các con đèo còn có thể đi bằng máy bay đến phi trường Liên Khương, cách Đà Lạt hơn 20km. Hè năm lớp 7, sau trận ốm kinh hoàng, từ Ban Mê Thuột mình với anh Sơn đi Đà Lạt bằng máy bay ở phi trường Phụng Dực, cách thị xã hơn 10km. Vì đi trễ nên sau khi lấy được vé hai anh em phải bắt chiếc xe honda ôm để đi vì xe buýt chở hành khách ra phi trường đã chạy mất. Có lẽ do hối thúc vì sợ trễ chuyến bay, bác tài chạy nhanh và không tránh kịp một ổ gà đang chứa đầy nước do trời mới mưa xong. Nước bắn tung tóe, vào bu gi làm xe tắt máy. Hai anh em sốt ruột chờ bác tài lui cui lau chùi bu-gi. Một lúc sau xe nổ máy lại, tiếp tục lên đường. Cũng may, hôm đó máy bay đến trễ nên hai anh em không bị lỡ chuyến bay. Máy bay hôm ấy mình đi là loại 2 chong chóng. Vào thời điểm này hàng không dân dụng miền Nam hình như chỉ có 1,2 chiếc máy bay phản lực, còn lại là loại động cơ 2 chong chóng (DC3) và 4 chong chóng (DC4). Khi đến gần Đà Lạt, thời tiết xấu, máy bay xóc dữ dội. Nhiều lúc nó rơi tự do một quãng lâu làm mình có cảm tưởng như nó muốn rớt luôn xuống đất. Có tiếng trẻ con la khóc. Bên cạnh mình lúc đó là một cô bé mặt mày cũng xanh lét. Cô bé này cũng bằng mình, chỉ mua nửa vé nên phải ngồi chung ghế với mình. Thật ra mua nửa vé chẳng qua là để giảm giá cho trẻ em, chứ không phải mua nửa vé là ngồi nửa ghế. Nhưng hôm đó, máy bay chật cứng hành khách nên không còn cách nào khác là ai mua nửa vé thì phải ngồi chung với nhau một ghế.

Sau ngày giải phóng, năm 1976, lúc đang ở Phan Rang, mình được cha Đạt sai mang một bức thư lên Đà Lạt. Lên xe ở Phan Rang lúc 2, 3 giờ chiều, xe tới Đà Lạt khoảng 5 giờ. Xuống bến xe, mình lạnh muốn chết cóng luôn.Đang là mùa lạnh mà mình chỉ mặc một bộ đồ mỏng manh với chiếc áo sơ mi cụt tay. Khi ở Phan Rang mình không ngờ rằng Đà Lạt lạnh đến vậy nên không chuẩn bị quần áo ấm. Co ro một lúc, mình bắt xe ôm đi đến Giáo hoàng học viện. Anh Sơn đang ở đó. Thấy mình phong phanh có cái áo cụt tay, anh mới lấy cái áo ấm của anh cho mình mặc. Sau đó, hai anh em thả bộ xuống phố, mua bánh chuối chiên bán bên lề đường tại khu Hòa Bình. Trời lạnh mà ăn bánh chuối chiên nóng thật thú vị. Tối hôm ấy mình ngủ lại tại Giáo hoàng học viện đến sáng hôm sau thì về lại Phan Rang. (Sơn : Anh với Phong không gần nhau, vì giữa 2 anh em có anh Thạch và chị Vân chen vô giữa, nhưng nhờ có cha Đạt đã nhận Phong là con nuôi, mà cha Đạt là giám đốc Chủng Viện Chúa Chiên Lành rất thân với anh nên 2 anh em có cơ hội gần gũi nhau thật nhiều, thành ra giữa anh với Phong có rất nhiều kỷ niệm thân thiết, thân thiết không thua gì giữa anh với anh Thạch, hay giữa Nguyên và Giang. Những ngày Phong vừa xa nhà lên sống tại Đà lạt, rồi sau này trong thời gian trôi nổi, anh ghé qua Tháp chàm là nơi Phong ở và đi học PTTH cấp II, cấp III, 2 anh em gần gũi với nhau thường xuyên, chia sẻ tâm sự, ăn chung miếng kem miếng bánh hay ly chè cũng như kể lể với nhau bao nỗi âu lo thấp thỏm khác. Những chi tiết thân yêu nhỏ nhặt đó trở thành kỷ niệm dấu yêu theo anh suốt đời. Ý nghĩa nhất, đó là Tết năm 1980, khi anh đang thất tình và chán nản tột độ thì có Phong ở bên anh. Mồng 4 Tết, Phong với anh khăn gói lên đường, buổi trưa cuốc bộ ra ngã ba quận Dakmil đón xe, không có xe nên mình ghé nhà cậu Phan ngủ lại chờ xe sáng hôm sau. Âu cũng là cái số ! Nếu lần đó không có Phong cùng đi, thì chắc anh đã quay về Đức Mạnh tìm người ta, và … cuộc đời đã xoay theo hướng khác!)

Sau này mình còn lên Đà Lạt nhiều lần nhưng không còn cảm nhận được vẻ thơ mộng của thành phố sương mù như xưa nữa. Có lẽ do đã qua cái tuổi mộng mơ hay do Đà Lạt bây giờ dân cư đông đúc quá. Nhà cửa, công trình xây dựng lấn hết rừng cây, chiếm mất không gian tự nhiên cần thiết để tạo nên vẻ hoang dã, nét lãng mạn của thành phố cao nguyên này. Đà Lạt bây giờ không còn lạnh và nhiều sương mù như xưa nữa.
(Sơn : Phong chỉ ở Đà lạt tổng cọng có vài tháng, mà bây giờ còn quyến luyến vương vấn với hình ảnh thơ mộng lãng mạn xưa, huống chi là anh đã ở đó tới 7 năm. Đà lạt thời anh em mình còn ở đó thưa người, và thiên nhiên cảnh trí còn trinh nguyên. Từ nhà đi bộ ra bất cứ về phía nào dăm mười phút là có ngay rừng núi cỏ cây. Khu đường Nguyễn Tri Phương có rất nhiều biệt thự để hoang, nên 2 anh em hay lên đồi đi dạo chơi, nhìn xuống thung lũng xanh ngát, tai nghe gió thông reo vui. Hồn nhiên lắm! Tinh khiết lắm ! Nhưng dẫu xinh đẹp lãng mạn đến đâu thì mình cũng không thể tìm lại được Phong à, như trong tất cả mọi điều khác trên đời vì  « Không ai có thể tắm hai lần trên một giòng sông » như triết gia cổ đại Hy Lạp Heraclitus đã viết mấy ngàn năm trước).
(Giang : Em đã có dịp lên Đà Lạt cách đây mấy năm và phải công nhận thành phố này rất đẹp, ấn tượng nhất với em  là những con đường thành phố, nó uốn quanh các ngọn đồi rất tự nhiên, hết xuống dốc rồi lại lên dốc,  mình đang đi trên đường này thì có thể nhìn thấy những con đường khác. Ở giữa thành phố lại có hồ nước, tạo cảm giác thoáng mát dễ chịu. Một thành phố thật dễ thương).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét