30/6/10

Đau bụng

Vũ là út trong gia đình có 5 anh trai và 5 chị gái nên sướng nhất nhà thì không có thể ai giành được. Nỗi vất vả nhất của Vũ chắc cũng chỉ có là tuổi thơ một vài năm gì đó đi chăn bò thôi, nhưng thủa còn nhỏ Vũ lại hay đau ốm. Hồi còn phải đi chăn bò có chị Quang ở nhà, thấy chị Quang rảnh rỗi hoặc Vũ không vui với mấy đứa bạn là về nhà Vũ sẽ nhọc liền thế là chị Quang lại phải đi chăn bò. Tuy biết bệnh của Vũ rất rõ nhưng chị Quang không sao trị được vì có những đêm Vũ khóc (12 đến 13 tuổi) làm chị Quang hết hồn vì thấy Vũ có bệnh thiệt.

Năm 9 tuổi cha dẫn Vũ đi cắt Amidan, tưởng cắt Amidan rồi sẽ khỏe, nhưng sau đó thêm chứng hen suyễn rồi suy tim (lúc đó đã học tới lớp 7, lớp 8). Lúc anh Phong lấy vợ  (1990) cha mẹ có ý gởi Vũ xuống đi học ở Phan Thiết vì có chị Mãng là Bác sĩ nên cũng yên tâm hơn. Nhưng khi xuống Phan Thiết rồi thì chẳng còn đau ốm gì nữa, bệnh tật tự nhiên biến đâu hết (chắc nó sợ chị Mãng) để rồi mới to khỏe được như vậy.
          
Cái bệnh đau bụng thuở nhỏ của Vũ chắc là một sự kiện nổi bật nhất trong đời của Vũ, vì lúc Vũ chưa có trí khôn thì mọi người đã biết cả rồi, nhưng cái bụng đã hết đau lúc nào thì chưa ai được biết.
 
Hồi đó khoảng năm1983 hay 1984 gì đó Vũ còn chưa đi học tự nhiên đau bụng liên tiếp 2 – 3 ngày, bình thường chỉ đau một vài ngày khi uống một vài lần mật heo là khỏi, nhưng lần này cái thuốc đặc trị này không còn tác dụng nữa. Cha thấy đau lâu nên sang mượn chiếc xe Hon da của ông Phúc bên cạnh nhà chở vào ông bác sĩ Sơn (giờ ông đi đâu rồi chả biết nhưng hồi đó ông ở đâu gần nhà anh Nguyên bây giờ) ông cho thuốc uống 3 ngày về thấy bớt sau đó Vũ đạp xe vào lấy uống thêm 3 ngày nữa thế là hết luôn cái bệnh đau bụng từ đó đến giờ.

Một quyết định táo bạo

Năm đó Vũ học ở Phan Rang, anh Giang ở Sài gòn nhắn ra là chờ anh Giang ra chơi rồi đi về luôn. Thời kì đó là năm 1993 xe cộ đi lại lên Dakmil còn khó khăn, anh Nguyên chưa lấy chị Xuân nhưng anh Giang ở nhà anh Trúc nên lên xe đi với chị Xuân ra Phan rang thì ghé xuống vào Vũ chơi (xe I FA tải lộ trình Sài gòn - Phan Thiết - Phan Rang – Nha trang – Đakmil của gia đình chị Xuân do anh Tôn lái, đây gọi là "đường ngoài", hơn 700km vì "đường trong" quốc lộ 14 khoảng 300 km hư không đi được) khoảng 2 đến 3 giờ chiều thì anh Giang tới nơi. Trời Phan Rang nóng nực khó chịu, 2 anh em ra biển Ninh Chữ tắm chán rồi về. Đang ngồi nói chuyện anh Giang hỏi ở đây người ta nướng gì thơm phức vậy, đó là 1 quán nhậu thịt Dông nướng (giống con kỳ nhông nhưng lớn hơn) sát vách nhà anh Phong thế là 2 anh em liền sang mua mấy con về ăn (hồi đó chưa biết uống rượu nên chưa ấn tượng lắm về con Dông phải không anh Giang ?). Ngày hôm sau 2 anh em ra đón xe về BMT, ở Phan Rang muốn về BMT phải đón xe buổi tối từ SG ra đi, tới khoảng 5 giờ sáng hôm sau thì đến BMT (cây số 3).
   
Ra đón xe thì được ngay, đi một mách tới BMT, đoạn đường từ BMT về Dakmil hồi đó lại hơi vất vả, hai anh em không biết bến xe về Dak mil ở đâu chỉ biết xuống cầu chui là đón được. Hồi đó 2 anh em biết rằng tuyến “xe car” BMT  - Dakmil một tuần có 3 chuyến nhưng không biết là xe chạy vào ngày chẵn hay ngày lẻ.

Hai anh em đi bộ lai rai đến đầu đường Đinh tiên Hoàng là bến xe nội thị ở đó ngồi chờ đến 8 h 30 thì gặp “xe Car’” của anh Hoàng ông Chính (gần nhà mình) chạy tới. Mừng quá chạy ra đón ngoắt hoài mà thằng Quyền (bạn anh Giang con ông Chính) nó chẳng chịu dừng (sau này mới biết nó không được rước khách ở đó phải xuống Cầu Chui nó mới đón) 2 anh em tức quá quyết định đi bộ về Dakmil gặp xe chỗ nào thì lên chỗ đó với một điều kiện xe Car mới đi còn xe Cá thì không đi (Xe Car là xe chở khách nhiều hơn hàng và có chỗ ngồi còn xe Cá thì chỉ chở hàng và cá người phải đứng phía sau). Nhưng 2 anh em biết chắc là xe Car chỉ có 1 chiếc và nó đã đi qua rồi thế là cả 2 quyết định đi bộ về. Cũng gọn gàng thôi vì 2 anh em chỉ có 2 cái Ba lô, Đi tới đâu thấy chán thì trong Ba lô Vũ có sẵn trái cầu hai anh em dừng lại đá chơi chả biết mệt là gì cả. Đi tới trường  Đại Học Tây Nguyên gặp anh Linh con ông Cương cũng ở Xã Đoài (trạc tuổi anh Giang) anh Giang hỏi đi đâu anh Linh nói là đón xe đi Cư Jút thế là 2 anh em rủ anh ta đi bộ luôn cho vui, đi tới chợ Hòa phú anh Linh bảo đau chân nên dừng lại đón xe Lam đi, thế là 2 anh em lại đi tiếp. Vừa đi vừa đá cầu dọc đường chẳng để ý gì đến lúc lên một cái dốc dài nhìn đàng trước lại thấy một cái dốc dài nữa anh Giang mới bảo thôi nghỉ đã và hỏi Vũ có nước uống không, có chai nước trong ba lô nhưng Vũ đem ra chỉ còn nửa chai, uống xong lại thấy đói bụng vì đã 11h 30 trưa. Trên đường đi hồi đó không có lấy một bóng xe kể cả xe tải nên 2 anh em bắt đầu thấy lo vì không mang theo thứ gì để ăn cả, nếu quay lại chỗ có nhà để mua đồ ăn thì xa vì đã đi qua khỏi làng khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi, 2 anh em quyết định đi tiếp gặp nhà nào vào xin nước uống cái đã, đi khoảng 1 tiếng nữa thì trời bắt đầu mưa, may quá nghe tiếng  xe chạy sau lưng tới, Vũ hỏi anh Giang giờ gặp xe Cá có đi không,  anh Giang anh hùng trả lời xe Cá thì mình xin lên trú mưa lúc nào hết mưa thì mình xuống. Nói là nói thế thôi chứ gặp được xe là mừng quýnh rồi, thế là 2 anh em leo lên xe Cá đứng níu đằng sau đi về. Xe cá khi lên dốc đang chạy chậm chậm thì thấy xe I FA của chị Xuân chạy sau tới (Xe này chở anh Giang ra Phan Rang nhưng kẹt lại ở trạm cân một đêm nên lại về sau) 2 anh em cảm thấy rất tiếc vì đã lỡ leo lên xe Cá mất rồi.
 
Sau này Vũ có dịp xác định lại lộ trình thì biết hai anh em đã đi khoảng 30 km, 2 cái dốc dài đi qua là dốc đá chẻ và lúc lên xe Cá là khoảng đoạn trạm vé bây giờ.

(Giang: Anh hơi bất ngờ khi nghe Vũ kể lại chuyện này, bởi anh đã quên hết. Vũ kể đến đâu thì anh mới nhớ ra đến đó. Và cũng nhớ thêm là anh đã ra Phan Rang 2 lần, một lần đi với bạn Kỳ khoảng đầu năm 2004, bị sốt nằm li bì mấy ngày ở ngoài đó. Lần khác là như Vũ đã kể. Lâu nay anh vẫn nhớ là mới chỉ ra PR có một lần!)

Tình gia tộc

Des souvenirs sont si précieux, ils sont également si nombreux. C’est le cas des mémoires que j’ai gardées durant tous ces merveilleux voyages que j’ai faits au Vietnam, un pays que je ne connais pas bien, mais que j’ai appris à connaître et à aimer au fil des années.
Avec le temps, je me suis faite plusieurs souvenirs, mais ceux que je chéris le plus sont ceux que j’ai partagés avec ma famille paternelle. Je n’ai eu point de temps pour apprendre à les connaître et encore aujourd’hui, je sens qu’une partie de mon esprit n’est pas totalement découvert puisque je ne connais qu’une seule moitié de ma branche héréditaire. Bien sûr, je connais ma famille au Vietnam, mais je n’en saurai jamais assez à leur sujet pour pouvoir me sentir comme un des leurs malgré le sang qui nous unit tous.
À propos des souvenirs familiaux, ils sont si nombreux et si longs que cela me prendrait des heures et des heures à raconter, je n’aurais toujours pas fini d’en parler. Je vais donc me tenir à l’essentiel de ce que j’ai retenu au cours de mes derniers voyages.
J’adore mes oncles, mes tantes, mes cousins, mes cousines et bien sûr, mes grands-parents. Ils sont toujours si accueillants et si chaleureux lorsque je leur rends visite. Je ne les vois qu’une seule fois de temps en temps, mais ils m’accueillent toujours avec la même gentillesse qu’auparavant. Malheureusement, je n’ai pas beaucoup de temps à passer avec eux. Je pense donc que mes souvenirs graviteront surtout autour du temps que j’ai passé avec mes cousines, car c’est avec elles que j’ai passé la majorité de mon temps lors de mes voyages.
Indescriptible doit être le mot qui représente mieux la relation que je partage avec mes cousines. C’est indescriptible, car nous avions tellement de plaisir ensemble en jouant à l’extérieur que je ne peux mettre ces souvenirs sur papier. C’est indescriptible à cause de notre communication, qui variait beaucoup, car je ne comprenais pas toujours le vietnamien, donc notre façon de communiquer était très unique comparativement à notre façon de s’exprimer avec les autres. Finalement, c’est indescriptible, car même si on ne se voit pas souvent, qu’à un intervalle de 2 ou 3 ans, c’est comme si on ne s’était jamais quitté, comme si on avait été ensemble pendant tout le temps durant lequel nous étions séparées, et cela, c’est un sentiment que l’on ne peut point décrire ou tout simplement penser, on ne fait que le vivre.
En conclusion, les souvenirs sont bels et bien précieux et nombreux, mais s’il y a une chose qu’il faut retenir, c’est qu’un souvenir est une pensée qui a tellement plus de valeur que nous le pensons et qu’il ne faut jamais oublier tout ces fabuleux moments que nous passons en compagnie des gens que nous aimons et que nous voulons garder à nos côtés.

*** Bản tiếng Việt do ông nội và bác Sơn phỏng dịch ***

Biết bao nhiêu kỷ niệm quý giá mà cháu đã ghi nhận được qua những chuyến đi về Việt Nam, về thăm quê hương mà cháu chưa biết rõ và cháu đang được ba mẹ giúp khám phá dần dần.
Những kỷ niệm thân thương nhất đối với cháu, đó là những thời gian trải qua với gia đình bên nội. Tự thâm sâu, cho đến bây giờ cháu vẫn cảm thấy một chút thiếu thốn vì cháu biết quá ít về một nửa phần gia tộc bên nội, vì cháu không gần gũi thân mật với ông bà nội cũng như các cô chú hay với các em, cho dầu giữa ông bà nội, các cô chú, các em và cháu đều luân lưu một giòng máu thân thuộc. Vì thế, mỗi lần về thăm VN, cháu muốn tìm cơ hội để đền bù phần thiếu sót này.
Nói về kỷ niệm thì quá nhiều, cháu không thể nhớ lại và kể ra hết được. Cháu rất thích các cô chú, các em, và dĩ nhiên là ông bà nội nữa, vì ai cũng dễ mến. Lâu lâu cháu mới về thăm, nhưng mỗi lần gặp lại thì cháu đều thấy họ đón tiếp cháu rất thân thiết như thể đã chưa từng xa nhau. Kỷ niệm rõ rệt nhất là những buổi vui chơi với các em, những cuộc chơi đầy thú vị.
Thật khó diễn tả cái tâm sự chị em không hề xa nhau, luôn luôn gần gũi nhau dầu chỉ đôi ba năm mới sum họp. « Cách mặt nhưng không cách lòng » là tâm tình cháu không thể diễn tả thành chữ viết nhưng cháu đã cảm nghiệm một cách thực tế và sống động qua những lần gặp gỡ ông bà cô chú và vui chơi với các em.

Kỷ niệm dễ thương

(Xuân viết bài này xin tất cả mọi người thông cảm vì không rành viết tiếng Việt.)

Trước khi đi về Việt Nam năm 1995, Xuân không có nhớ gì về nước của mình. Sanh ở Mã Lai, ở VN 3 năm và lớn lên bên Pháp nhưng không có kỷ niệm rõ. Khi quen anh Sơn, mới bắt đầu nói tiếng Việt nhiều hơn và học hỏi nhiều.

Thành ra là khi về 1995, rất hồi hộp về nước và gặp gia đình anh Sơn. Cảm giác đầu tiên là khi xuống sân bay là trời rất nóng và ồn ào.

Khi lên Ban Mê Thuột, rất lạ và vui. Gặp tất cả mọi người, và ai cũng dễ thương và làm cho Xuân thoải mái. Cha, nói chuyện nhiều và Mẹ thì ít nói. Mấy chị em, ai cũng vui vẻ và dễ thương.

Xuân không rành tiếng Việt, cộng thêm ai cũng nói mau và giọng khó hiểu như có nhiều khi Xuân không hiểu gì hết. Ở BMT không lâu nhưng Xuân nhớ là rất vui. Nhớ chơi đánh bài với Giang, Nguyên và Quang, và người nào thua bị búng tai. Xuân còn giữ một hình chụp Xuân đang búng tai Nguyên, cười bể bụng.

Kỳ khác là đi honda chung với Vũ. Trong ngày đó trời mưa và đường ướt và bùn. Vũ với Xuân lái Honda đi một vòng. Vũ lái trước và một lúc sau đưa cho Xuân lái (đó là lần đầu tiên Xuân lái xe Honda). Đi một chút, có thể Xuân lên gaz mạnh quá, và xe bị trợt và hai đứa té bên hông đường. Hên hai đứa không bị gì. Vì đường ướt và bùn, Xuân mất một chiếc dép. Rất sợ nhưng mà rất vui. (Vũ: Khi Vũ rủ chị Xuân đi chạy xe Honda, thì chị Xuân tìm dép để đi . Nhưng do trời tối mù mờ và giày dép ngổn ngang đầy nhà, nên chị Xuân đã xỏ đại vô một đôi, và trúng vào đôi dép của anh Phong.)

Có rất nhiều kỷ niệm chung với tất cả mọi người, như kỳ đi Phan thiết và đi Phú Quốc. Khi ở Sài gòn đi shopping với Quang …

Mấy chị, em, và mấy cháu trong nhà, người nào cũng rất là hiền và dễ thương. Xuân rất tiếc không về ăn mừng 60 năm kỷ niệm đám cưới cha mẹ và gặp lại tất cả mọi người.

Con chúc Cha Mẹ may mắn, đầy đủ sức khỏe và hy vọng sẽ gặp lại trong thời giang rất gần.

Cha, voici un petit mot pour vous en francais:
j’espère que vous avez aimé le CD que je vous ai acheté et que vous penserez à moi quand vous l’écouterez. Je suis vraiment triste de n’avoir pu venir fêter votre anniversaire de marriage. Je vous souhaite à tous une bonne réunion, beaucoup de joie à vous retrouver, de rire et des moments de partage inoubliables et mémorables.

A bientot j’espère !

27/6/10

Chơi ác với em ... Phong

Ở Phan Thiết, thời gian công trình xây dựng lao xá ở trước nhà mình gần hoàn thành. Buổi chiều sau giờ cơm, năm chị em hay dắt nhau vào đó chơi. Chị Tuyết bồng Phong lúc đó nhỏ nhất, mới chập chững biết đi thôi. Những khu nhà được xây lên, đã ngăn ra nhưng còn trống rỗng, chưa lót nền, chưa có khung cửa. Mấy chị em vào đó chơi cút bắt với nhau.
Chị nhớ có  lần mấy chị em bàn tính với nhau đi trốn Phong. Để em vào trong một căn phòng, chơi đùa với em một lát rồi lén rình lúc em đang mải lo chuyện khác, không để ý, tất cả rón rén bỏ trốn hết để Phong ở lại một mình.  Chơi nghịch với cát một lát, khi quay lại, cậu bé Phong chợt thấy mình lẻ loi cô đơn giữa một khoảng không gian vừa vắng vẻ vừa âm u, vì lúc ấy trời lại gần tối nữa. Ôi anh chị đâu hết cả rồi ? Nguy quá ! Phong hoảng sợ, thế là oà lên mếu máo khóc. Đâu có biết rằng lúc ấy đám anh chị chết tiệt  đang núp dưới khung cửa sổ, lén nhìn vào cười khúc khích một cách vô tội vạ. Thấy em nửa ngơ ngác nửa sợ hãi thì  thương lắm nhưng lại  thích thú trước vẻ ngây ngô tội nghiệp của em. Anh chị chơi ác với em như vậy đó ! Chẳng biết có phải vậy mà Phong hơi bị nhút nhát không ?

5/6/10

Cô đơn và sợ hãi

Khi nhà mình mới chuyển lên BMT em được hơn 9 tuổi, cuộc sống hoàn toàn thay đổi, em  nghỉ học ở nhà giữ em Giang, lúc đó khoảng 6 tháng tuổi. Lúc đó em buồn và nhớ về Phan Thiết vô cùng. Thời gian đầu khu gia binh không có người ở, chung quanh không một bóng người, cứ chập choạng tối là em bồng Giang ra khỏi nhà nhìn xuống dưới vườn chờ mẹ về. Có những chiều tối gió thổi rất lạnh nhưng vẫn cứ đứng ngoài trời để chờ mẹ, mà mẹ thường về n rất muộn, khi nào không thấy đường để làm việc nữa thì mới thôi. Vì hoang vu quá nên cứ tối đến là em lại cảm giác không an toàn. Em mong cha lên lắm, nhưng mỗi tháng cha chỉ lên có ít ngày rồi về Phan Thiết lại. Một ngày kia khi cha chuẩn bị về PT, sáng sớm ra đi cha thức em dậy đi lễ. Nghĩ đến chuyện cha ra đi em buồn quá nên cứ đứng gục mặt vô vách nhà. Cha tưởng em đang ngái ngủ nên hỏi: “Sao hôm nay con lâu tỉnh vậy?”. Rồi hai cha con cùng đi, dọc đường cha dặn dò nhiều điều nhưng em lại cứ ngoẻo đầu một bên. Cha lại hỏi: “ Con bữa nay làm sao vậy?”. Lúc đó em rất muốn nói vì cha ra đi nên con buồn lắm nhưng sao cổ họng không thốt ra được lời nào mà cứ thẫn thờ  như một cái xác không hồn vậy.

Ly nước chanh

Lấy chồng tôi rất sợ về làm dâu nhà chồng vì khi xem phim, xem truyện luôn thấy có những cảnh mẹ chồng và nàng dâu xung khắc nhau dữ dội, trong khi đó bản thân mình lại không được giỏi giang cho lắm, vì từ nhỏ tới lớn chỉ biết ăn học. Lại nghe người ta nói mẹ chồng là “người Bắc năm tư” thì còn khó dữ nữa, nên sau khi cưới nhau ông xã đưa về thăm cha mẹ ở Đăk Mil, trong lòng tôi rất lo lắng, căng thẳng, mặc dù đã được ông xã trấn an “Mẹ anh rất hiền”.

Về Đăk Mil sống cùng gia đình trong vòng một tuần, cảm giác về “mẹ chồng là người Bắc năm tư khó khăn” dần tan biến.Tôi gần gũi với mẹ hơn. Những hình ảnh lúc bấy giờ đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong tôi: Sáng sớm thức dậy, bên ngoài trời còn rất tối trong không khí rất lạnh của miền quê Đăk Mil, ai cũng muốn cuộn mình trong chăn ấm, vậy mà cha và mẹ đang lui cui bên bếp lửa. Cha nấu nước, mẹ sửa soạn những bó rau để đi chợ. Cha và mẹ làm thật nhẹ nhàng, lặng lẽ, thấy tôi thức dậy, cha mẹ cùng hỏi: “Con ngủ có ngon không? Sao không ngủ thêm, trời lạnh lắm, dậy sớm làm gì?” Cha mẹ luôn ân cần hỏi han với từng người con trong gia đình. Riêng mẹ cả ngày không ngơi tay, lúc nào tôi cũng thấy mẹ làm việc: gom cành cà phê, cho heo ăn, hái rau, quét dọn vườn tược, chợ búa... Mẹ nói năng rất khẽ, dịu dàng. Mẹ biết từng đứa con trong nhà thích ăn món gì. Lúc ấy, tôi đã nói với ông xã: “Mẹ thật đúng là một người mẹ Việt Nam”.

Năm 2001 tôi vào Sài Gòn học lớp cấp cứu ba tháng, có dịp sống với cha mẹ dài ngày và càng hiểu tấm lòng của cha mẹ hơn. Lúc ấy tôi phải luyện thi chuyên khoa cấp I, nên cả ngày đi học lớp cấp cứu, tối về học bài để thi nên thường học rất khuya, có khi 1-2 giờ sáng vẫn chưa ngủ. Thấy vậy, đêm nào mẹ cũng pha nước chanh cho tôi uống. Cầm ly nước chanh mẹ pha, lòng tôi rất xúc động, tôi chỉ muốn ôm mẹ nhưng tôi không làm được, chỉ biết nói ngắn ngủi: “Con cảm ơn mẹ”. Nhưng thực ra lúc ấy lòng tôi thật tràn ngập cảm xúc. Mẹ đã đem đến sự động viên rất lớn cho con, cho con có cảm giác ấm áp của tình mẹ con.
Mẹ ơi! Không bao giờ con quên ly nước chanh của mẹ- Người mẹ hiền của các con.

Về hai anh

Đối với anh Sơn em cũng không nhớ gì nhiều ngoài chuyện anh chạy trốn chị Tuyết không chịu quét nhà bị té u đầu và anh bị cậu đánh. Nhưng em không thể quên được những kỳ nghỉ hè anh từ chủng viện Sao Biển trở về. Tuy nhớ không rõ lắm, chỉ biết là đôi lúc anh cho em tiền để ăn cà rem và anh kiểm soát giấc ngủ trưa. Có lần anh hỏi em rằng “ngày hôm nay em đã nhớ đến Chúa được mấy lần”. Câu nói ấy em còn nhớ mãi đến hôm nay và đó cũng là động lực giúp em biết hướng về Chúa nhiều hơn.
(Sơn: anh không còn nhớ đã hỏi em câu đó trong trường hợp nào, nhưng chuyện ăn cà rem thì anh nhớ rõ. Anh là người không thích tiêu xài lặt vặt, có thể nói là anh không có nhu cầu, không cảm thấy cần mua sắm gì cả, anh thỏa mãn hài lòng với những điều tối thiểu, nên tiền cha mẹ cho trước khi đi nhập học, thường lúc về vẫn còn nguyên. Có lần đang ở nhà, có đứa bé bán cà rem đi ngang, anh nổi hứng kêu vô cho các em ăn. Không phải một hai đồng, mà ăn thả dàn, hết cây này tới cây khác. Các em ăn tự do, bao nhiêu cũng được. Hình như mấy anh em mình ăn hết sạch banh cái thùng kem của nó. Anh nhớ là kem rất ngon, có mùi đậu xanh hay đậu đỏ, chứ không phải chỉ có nước đá như về sau này. Lúc đó có lẽ trong nhà đủ mặt các em, từ anh xuống tới anh Thạch, Vân, và chắc chắn là có Phong. Còn Trinh thì anh không nhớ rõ có tham gia vào cuộc “nhậu” hay không.)
Em còn nhớ vào những dịp nghỉ hè, anh Sơn anh Thạch thường ngồi chơi đàn và hát lúc về chiều, hai anh hát rất hay và rất ấn tượng, tạo cho em những khoảnh khắc thật thú vị không thể nào quên. Khi anh Thạch còn học ở BMT, em có lên thăm một lần và đưa mít cho anh.

Một buổi tối, khi em đang chăm sóc cho bà nội, thì anh Thế chạy lên báo: có điện cậu Sơn gặp, vừa nghe dứt lời thì em chạy vội về để gặp anh, lòng mừng vui không thể nói hết bằng lời

Làm đẹp cho em

Khi em đang nhỏ, có lẽ chị Tuyết là người coi sóc em nhiều nhất. Nhưng điều đó, lúc nhỏ em không thể hình dung được. Sau này khi đã lớn, khi đó chị Tuyết đã đi tu, mỗi lần về nghỉ chị thường hay uốn tóc cho em bằng cách hơ chiếc đũa trong lửa cho nóng rồi cuốn tóc vào cho quăn rồi lại còn thắt hai bên nữa, mặc dù chuyện đó làm em mắc cỡ (vì bản tính em thích đơn sơ giản dị) nhưng không hiểu sao em vẫn để chị làm.

Có những lần mẹ chuẩn bị cắt tóc cho em là chị lại nói em chạy đi chỗ khác, đừng để mẹ cắt vì mẹ cắt tóc lên cao để lộ cả tai ra (xấu mất em của chị)!

Mặc dầu không có nhiều kỷ niệm về chị nhưng em cảm nhận rõ ràng chị luôn quan tâm săn sóc em bằng cách này hay cách khác, chị đã luôn yêu thương và nâng đỡ  em trong cuộc sống, em cảm ơn chị rất nhiều!
Em đi lấy chồng mà chị khóc dữ vậy hả?
Sao em chẳng động lòng chút nào ha!

Mẹ ơi con yêu mẹ lắm!

Không yêu thế nào được khi một người mẹ suốt một cuộc đời hy sinh tất cả vì hạnh phúc của gia đình. Tuy cha dạy dỗ và uốn nắn em nhiều hơn, nhưng mẹ đã hy sinh cho em rất nhiều.

Em nhớ hồi ở Vinh Thủy, những dịp nghỉ hè thì cũng có đan lưới, đi hái rau dền gai về nấu cho heo và có một đợt lại nhận mùng để tháo, nhưng tuy vất vả mẹ vẫn để cho em nào là đi sinh hoạt thiếu nhi trong xứ, đi huấn luyện trưởng v.v….

Thời gian đi học ở BMT cũng vậy, sáng sớm lễ về là em chuẩn bị sách vở để đi học, vì đi bộ từ cây đa số 5 mà lên đến trường Vinh Sơn hình như là 5 cây số, có hôm vừa đi vừa chạy vì sợ trễ học, hôm nào trời mưa lớn quá thì mẹ cho 10 đồng để đi xe lam. Ghê gớm nhất là mùa sâu đi dưới bóng cây keo thì mát thật nhưng những con sâu rớt xuống rùng cả mình (sâu này dân tọc họ ăn).

Trong nhà công nặng việc nhẹ mẹ vẫn gánh vác nhiều hơn. Có lần khi ở BMT mẹ bửa củi và dằm củi văng trúng lông mày (chút xíu nữa thì vô mắt) máu ra cũng nhiều. Tuy khó nhọc vất vả nhưng em chưa hề nghe mẹ than phiền trách móc nặng lời, vì em biết rằng mẹ luôn tin tưởng phó thác và cậy trông vào Chúa. Ơn chúa đã giúp mẹ vượt qua tất cả, mẹ quả là một tấm gương sáng cho con noi theo.

Biến cố 1975

Hôm đó em nhớ là ngày chủ nhật, mà thường chủ nhật thì cậu hay chở về nhà cha mẹ chơi. Hôm nào cậu vẫn đi làm và trưa về cậu nói “ hôm nay cấm trại 100%” (nghĩa là trực 24/24) vậy là hết được về nhà.

Sau đó thì cậu không về nữa và mự cháu chuẩn bị đồ để chạy loạn, vì cậu ở quân đội Yểm Trợ Truyền Tin nên bị pháo kích liên hồi. Khi đã soạn đồ xong mự cháu bắt đầu chạy ra nấp dưới hầm ở trước nhà, mợ thì một tay bế Khương còn tay kia xách giỏ đồ, trong đó em còn nhớ có cây thánh giá khá lớn. Còn việc của em là cõng Lộc và cũng xách một giỏ nhưng nhỏ hơn. Ra hầm nấp được một đêm thì sáng mai mự bị trúng miểng đạn nhưng Tạ ơn Chúa chỉ bị thương nhẹ chảy máu thôi. Sau đó lại dời chỗ xuống một hầm đá rộng hơn nhưng ở trong đó đông người hơn nên muốn ngộp thở vì khói thuốc, ở ngoài thì súng đạn nổ lia lịa, em không nhớ rỡ lắm nhưng chỉ biết nấp dưới hầm đã qua một đêm (vì chờ nên thấy lâu) sáng mai ra lại bắt đầu chạy, khi ra đến hầm thì mạnh ai nấy chạy, thế là mự cháu lại chạy vô bệnh viện. Bây giờ em mới biết bệnh viện cũng chỉ cách chỗ cậu ở khoảng hơn 1km. ở bệnh viện đêm đó cũng dời chỗ, ngồi dọc theo hành lang mà cứ bị pháo kích suốt, chỗ này đổ nát thì lại chạy chỗ kia, người chết và bị thương thì nhan nhản vậy mà mợ cháu vẫn bằng an. Tạ ơn Chúa.

Rồi sáng ngày hôm sau lại di tản tiếp, vô trọ một nhà người quen (hình như là ô Khán bạn của cậu) nhà rất đông người ở trọ, đến nỗi mỗi lần giặt rửa là chậu nước bẩn đặc như bùn. Sau đó không biết mẹ lần mò và hỏi tin tức ở đâu mà đã đi kiếm và gặp em ở đó.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 thì cha và cậu đi cải tạo. Cậu thì đi ở đâu em không biết, nhưng cha thì có thời gian ở Mê Van, có lần em và mự Phan (cậu Phan cũng ở chung với cha thì phải) đi thăm cha ở Mê Van. Không nhớ đi bằng phương tiện gì nhưng chỉ nhớ là mự cháu mang đồ (đi thăm nuôi thì thường mang thức ăn khô) đi bộ từ Châu Sơn vô Mê Van và khi trở về đến Châu Sơn thì gặp một trận mưa lớn và ghé vô nhà cậu Lộc ăn cơm ở đó và được ăn món xơ mít xào là món ăn thưởng thức lần đầu tiên nên nhớ mãi tới bây giờ.

Làm nông ở Ban Mê Thuột

Khi nghỉ học là lúc em bắt đầu giúp mẹ việc nương rẫy. Vì chưa phải đương đầu với thời tiết nắng mưa nên em rất sợ nắng. Mỗi lần cuốc cỏ là hay đứng chống cuốc để chờ đám mây đến che mặt trời cho đỡ nắng.

Sợ nhất là đi cấy lúa bị đỉa cắn và cắt rau môn bị cỏ nứa cứa sướt đùi (vì mỗi lần cắt rau là phải xắn ống quần lên quá đùi và đất thì sình lầy lên tận đùi).

Đến mùa gặt lúa thì dẫm lúa cho xước xả bàn chân. Tuy vậy nhưng vẫn thấy vui vì mình phụ giúp được cho cha mẹ, thời gian này gần mẹ nhiều hơn và thấy được sức chịu đựng bền bỉ của mẹ hy sinh hết mình vì gia đình.

Mộng ước không thành!

Có anh chị đi tu rồi em cũng muốn đi theo nên khi đang học lớp 5 (lớp nhất thời đó) thì đã có ý muốn học xong là sang năm sẽ đi tu. Khi đó có Tân (con bà Dược) học cùng lớp cũng đi tu ở dòng MTG Tân Bình, Cam Ranh. Khi em hỏi ý cha thì cha nói là anh chị và em (Phong) đã đi hết rồi, mà em thì đông, nên con ở nhà học hết lớp 9 rồi sẽ đi.

Thế là học (2 năm) lớp 6 ở trường Chính Tâm và lên BMT học ở trường Vinh Sơn. Lớp 7 và lớp 8 đang dang dở thì gặp biến cố 1975 thế là xong. Hoàn cảnh khó khăn bế tắc, cha thì đi cải tạo, mẹ thì lo cho một đoàn con.

Sau này nghĩ lại em không hiểu tại sao các em Trinh, Nguyên, Thủy đều đi học mà mình lại không. Vì nghỉ học là một mất mát lớn đối với em, có một lần Lý là bạn thân ở Vinh Thủy viết thư lên cho em khi còn học lớp 8 ở Vinh Sơn báo là đã nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình và em đã khóc vì thương cảm bạn. Rốt cuộc mình cũng đồng cảnh ngộ luôn. (Sơn: việc Vân nghỉ học là do hoàn cảnh và thời thế mà thôi. Em thử nghĩ, trong lúc các anh chị lớn Tuyết-Sơn-Thạch đã đi xa thì trong nhà đâu còn ai. Phong lúc đó cũng đã xuống Tháp chàm. Cha đang đi học tập mà nhà cần người làm, thì em phải hy sinh. Trinh Nguyên Thủy vẫn tiếp tục đi học vì vào thời điểm đó, các em còn quá nhỏ, ở nhà cũng không giúp đỡ gì mẹ được nhiều. Hơn nữa, vì vừa mới bước chân vô các lớp tiểu học, nên phải để cho Trinh Nguyên Thủy học tiếp cho xong để ít ra là biết đọc biết viết. Sau này, khi dời nhà xuống Dakmil, thì lại càng cần người làm lụng, mà em là lao động chính trong nhà với mẹ, thì làm sao em có thể bỏ ngang mà đi học được. Rồi không lâu sau đó là em lấy chồng thì còn học hành gì nữa. Em không được đi học như các em, em không được đi tu như chị Tuyết, điều đó chắc hẳn đã để lại một chút vấn vương tiếc nuối trong lòng em. Nhưng nhìn lại chặng đường đời em đã đi qua, anh nghĩ em không có gì phải nuối tiếc, vì em đã đóng trọn vai trò một cách tốt đẹp. Chưa chắc em học cao lên, hay em đi tu mà em có thể sống tốt hơn.)
(Trinh : Về việc học thì chắc em là người lận đận nhất trong nhà. Em bắt đầu đi học năm lớp 3, được nửa năm thì nghỉ vì dời nhà lên BMT. Năm sau vào học lớp 4 được trọn vẹn, tiếp theo lớp 5 đang dở dang thì giải phóng thế là phải nghỉ học.Trước khi dời nhà đi Dakmil cha đi rút học bạ cho Nguyên và Thủy (Thủy lúc đó mới đi học), em nhờ cha rút học bạ cho em nhưng cha không rút được vì không gặp thầy hiệu trưởng, cha nói với em là năm sau con học lại lớp 5 với Nguyên cũng được (nhưng trong thâm tâm em tính học lên lớp 6 chứ không học lại lớp 5 đâu). Hè năm 1976 chuẩn bị vào năm học mới, em háo hức vô cùng chuẩn bị bút vở để đi học tự nhiên cha lại nói “thời buổi này mà còn học hành gì nữa”, em vô cùng thất vọng. Thời gian đó mẹ hay đi buôn chuyến ở Phan Thiết, mẹ về thấy em không đi học, mẹ có hỏi chị Vân sao em không đi học và em cũng không rõ chị Vân nói gì với mẹ, em biết là mẹ muốn cho em đi học nhưng sao lúc đó mẹ không hỏi em và em cũng không nói lên nguyện vọng của mình với mẹ để cuối cùng  lãng phí mất 2 năm trời, 2 năm trời khát khao và chờ đợi. Đến tháng 9 năm 1977 lúc chị Vân đã yên bề gia thất thì em mới đi học lại. Cũng may lúc đó em nghe người ta Alô thông báo ai mất hết giấy tờ thì chỉ cần làm một lá đơn xin đi học là được, em nhờ anh Thạch viết đơn cho em, thế là em cầm cái đơn đi học không bị hạch hỏi giấy tờ gì cả.
Em đã trải qua nỗi mặc cảm thua kém, bạn bè mình học lớp 8 mà mình mới học lớp 6 nên em rất lo cho các em, em sợ các em bị học muộn nên việc em đấu tranh để cho Giang đến trường là việc xảy ra khi em đang ở nhà chứ không phải là lúc em đã đi học dưới Cần Thơ về như anh Sơn nghĩ.)

Thân tình cha con

Theo em nghĩ có lẽ em là người gắn bó với cha và chịu ảnh hưởng của cha nhiều nhất !

Khi cha đang tập hát cho ca đoàn ở Vinh Thủy em cũng được đi theo, có nhiều bài hát em còn nhớ cho đến bây giờ và các bài hát La Tinh, tuy không thuộc lòng nhưng có người hát thì cũng hát theo được.

Những lúc về đêm chuẩn bị đi ngủ thì cha con lại giỡn chơi trên giường một lúc đến khi bắt đầu ngủ là giành nhau (không biết Phong hay Trinh) nằm gần cha.

Cha còn chở em đi công viên để chơi xít đu, trong thời gian cha đi công việc chi đó. Nào là cha chở đi chợ Phường để mua cá (khi đó có lẽ mẹ sinh). Nhiều lần cha chở đi viếng Thánh Thể, có một lần cha chở vô quán giải khát và mua sữa chua cho em ăn (đó là lần đầu tiên em được thưởng thức), có hôm cha lại chở em đến chỗ cha làm, không biết cha làm việc gì nhưng em thấy cha  cứ đi đi lại lại giống như để kiếm soát một hệ thống gì đó.

Em đã thầm nhuần nền giáo dục và tấm gương đạo đức của cha về lòng kính Chúa yêu người, tôn sùng Thánh Thể và yêu mến gắn bó với mẹ Maria bằng chuỗi Mân Côi. Em nhớ khi còn nhỏ (không biết mấy tuổi nhưng sao vẫn tỉnh ngủ) em thường nghe cha mẹ đọc kinh nhiều lắm rồi mới bắt đầu lần hạt và khi đã đọc được 4 chục hạt thì mới thức con cái dậy đọc kinh. Mỗi lần đi lễ từ nhà cho đến nhà thờ cũng đọc được 3, 4 chục hạt. Vì nhờ cha tập cho thói quen từ nhỏ nên giờ đây em vẫn say mê việc lần chuỗi và viếng Thánh Thể. (Trinh: Về việc đi viếng Thánh thể em có một kỷ niệm đó là khi nhà mình đang ở bên Vinh Phú cha chở em và Nguyên về Vinh Thủy đi viếng Thánh Thể ở nhà thờ ngoài ( lúc đó đang nhỏ lắm , hai chị em đứng trên bàn quỳ và Nguyên phải  ngóc cổ lên thì mới nhìn được cung thánh ). Cha nói có Chúa trong nhà tạm , có một ngọn đèn dầu bên nhà tạm , cha hướng dẫn cầu nguyện và hát bài sau :

Con thờ lạy Chúa Giê su , đang náu thân trong hình bánh
Con nguyện xin Chúa Giê su , thương đoái nhậm lời con cầu
Xin cho con Yêu Chúa nhiều , đáp tình Chúa đã dấu yêu
Xin cho con yêu Chúa nhiều , dẫu đời con gặp thảm sầu

Do khi đó đang nhỏ , chưa hiểu gì cả nên em nghe là:
Có hòn thờ lạy Chúa Giê su ……………….
Có hòn nguyện xin Chúa Giê su ………………………
Và hiểu là trong nhà thờ có hai hòn , hòn thờ và hòn nguyện , thắc mắc là tại sao có hai hòn mà lại có một ngọn đèn. Đúng là con nít suy nghĩ ngây ngô vô cùng , người lớn không thể hiểu được.)
Mỗi lần đọc kinh cha đều hướng dẫn và chỉ các mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Điều em hằng khắc cốt ghi tâm là “từ bỏ ý riêng mình”, “vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa”, “hy sinh quên mình để phục vụ tha nhân”. Những điều đó như là kim chỉ nam trong cuộc sống của em suốt mấy chục năm qua.
(Sơn: đọc lại những kỷ niệm như Vân kể về cha thì anh thấy anh cũng được cha dẫn đi theo tập hát trong nhà thờ Vinh Thủy, cũng chơi đùa với cha buổi tối trên giường trước khi ngủ, cũng được cha chở lên công viên Phan thiết chơi xít đu và cầu trượt, và cũng nghe cha chỉ dạy nhiều điều về đạo đức. Mà theo anh biết thì anh Thạch cũng như các em Phong, Trinh, Nguyên… đều  có những kỷ niệm tương tự. Vậy thì phải nói là cha rất gần gũi với các con, có khi còn gần hơn mẹ bởi vì mẹ thâm trầm ít nói, ít biểu lộ và diễn tả tâm tình. Nhưng Vân hoàn toàn có quyền nghĩ em là “con gái rượu” của cha.)
(Phong: Em cũng có những kỷ niệm với cha như chị và anh Sơn đã kể. Em cũng được cha chở đến chỗ mà “cha cứ đi đi lại lại”. Nơi đó gọi là Nhà đèn, tức nhà máy phát điện đó chị. Cha chở em đi theo vào ca trực vào ban đêm. Em cũng chỉ nhớ là thấy cha cứ đi tới đi lui xem các loại đồng hồ lớn nhỏ trên tường, còn mình thì làm gì lúc đó không nhớ. Cha còn dẫn em vào Trung tâm thẩm vấn trong thời gian cha làm việc ở đây nữa. Em đọc cho cha đánh máy những văn bản đã được viết bằng tay trước đó (có lẽ là những biên bản hỏi cung). Đặc biệt có một kỷ niệm mà không biết có anh chị em nào nào khác được như em không, đó là được theo cha đi xem đá banh. Cha chở em đi bằng xe đạp. Sân bóng đá Phan Thiết lúc bấy giờ chưa có khán đài, ngăn cách giữa khán giả và cầu thủ là hàng rào lưới thép gai. Cha thì phải giữ xe nên đứng xa hơn, còn em thì chen sát hàng rào để xem cho rõ. Không nhớ trận đấu diễn ra giữa hai đội bóng nào nhưng em nhớ là rất quyết liệt, thấy cầu thủ va chạm nhau phải khiêng ra sân và ấn tượng nhất là thủ môn bay lượn bắt bóng rất đẹp mắt.)(Sơn: chắc Phong là người duy nhất đã được đi coi đá banh với cha, vì lúc đó thì anh đã đi học ở Nha Trang và anh đoán là anh Thạch cũng đã đi rồi.) 

Đi xem văn nghệ

Theo em nghĩ thì đó là khoảng cuối năm 1968 , em theo chị Vân đi xem văn nghệ ở trong nhà thờ Vinh Thủy. Vì ít khi đi ra ngoài nên em rất nhút nhát, nhất là đến chỗ đông người, lúc nào cũng sợ bị lạc vì thế em cứ nắm chặt áo chị Vân. Điều này làm cho chị Vân khó chịu và không cho em nắm áo nữa chỉ được đứng bên cạnh thôi.  (Sơn: Anh đã từng ở vào vị trí của chị Vân, nên anh hiểu tâm trạng của một người anh người chị trẻ-con-ham-chơi mà phải dắt theo đứa em và có trách nhiệm coi giữ nó, rất bực mình. Bây giờ nhìn lại thì thấy rõ là anh chị quá ích kỷ, nhưng vào lúc đó thì mình chỉ phản ứng một cách tự nhiên như vậy thôi, không hề biết rằng làm như thế là thiếu tình thương, thiếu ân cần đối với em của mình. Anh nhớ mỗi lần trong xứ có văn nghệ, là cha nói với Thạch “cho con đi coi kịch với anh Sơn” còn với anh thì cha dặn “Con dắt em đi với”. Thạch thì tỏ vẻ hí hửng vui mừng vô cùng, nhưng anh lại có cảm giác bực mình, vì có đứa em đeo dính bên cạnh thì mình không tự do được. Bây giờ nghĩ lại thấy mình quá tệ, và thương đứa em chạy lon ton theo. Nó biết phận nó đang là gánh nặng cho mình, nên tỏ ra rất ngoan ngoãn để được làm vừa lòng anh/chị và cho nó đi theo).  Đang đứng xem tự nhiên chị Vân vụt chạy đi, không biết vì chị thấy bạn hay vì muốn thoát khỏi đưa em hay lôi thôi, em chạy theo nhưng vì vướng mọi người mà mình lại nhỏ, tầm quan sát hẹp nên không tìm được. Lúc đó em rất hoảng hốt không còn tâm trí nào để xem văn nghệ nữa và phải giải quyết một trong hai việc đó là tìm ra chị hoặc là về nhà, loay hoay một hồi không tìm được em chạy ra đứng ngay đầu dốc nhìn xuống con đường tối om. Người lớn cũng chưa chắc đã dám đi một mình huống chi là đứa con nít 5 tuổi. (Sơn: Trinh nói rất đúng, người lớn còn không dám đi trên con đường đó một mình ban đêm, ngoại trừ những người rất gan dạ. Vậy mà em cả gan chạy vụt đi như thế thì đủ biết gan em lớn chừng nào!). Ngay lúc đó có một chiếc xe máy chạy xuống dốc pha ánh đèn sáng, thế là em cắm cổ chạy theo, chạy chưa xuống hết dốc thì ánh đèn đã mất hút, em rơi vào tình huống tệ hại, trước mặt và sau lưng đều tối om. Quay lại thì phải chạy lên dốc không thể chạy mau rất dễ bị ma kéo lại (theo suy nghĩ lúc đó) thế là em chạy thẳng đương nhiên là vừa chạy vừa khóc. Đến lúc này em cũng không hiểu sức mạnh nào đã giúp em vượt qua hơn 1km đoạn đường tối tăm đầy mồ mả mà chị Vân đã thêu dệt nên rất nhiều câu chuyện li kì rùng rợn ấy. Về đến nhà thì có điện sáng ngoài đường, em múc nước trong lu để rửa chân rồi vô nhà leo lên giường nằm, không thể nào ngủ được trước một sự việc như vậy nhưng vốn đã quen che dấu cảm xúc của mình nên em giả vờ ngủ. Mẹ dậy xem đứa nào về, mẹ rờ thấy chân em ướt. Khoảng 1 tiếng sau thì người ta đi xem về rì rào ngoài đường, chị Vân về nhưng chưa vô nhà mà đứng ngoài cổng, nơi có cây khuynh diệp chắc là đang tìm em trong đoàn người đi về. Mẹ kêu chị Vân và nói em đã về rồi. Em nằm im nghe mọi người bàn tán về mình. Mẹ thấy em đi về vẫn biết rửa chân rồi mới đi ngủ nên nghĩ là em không gặp rắc rối gì. Mẹ đoán là có người lớn nào đó không thích xem nữa, đi về trước và em theo họ về cùng. Sáng mai người quan tâm và phỏng vấn em nhiều nhất là chị Vinh con bà Thảo ở kế bên nhà. Chị Vinh là người hay bồng và dỗ em mỗi khi khóc nhè. Chị ấy cũng thường hay đút cơm cho em mỗi khi mẹ có khách hay bận bịu. Chị ấy hỏi rất nhiều nhưng em cũng chỉ vâng dạ mà thôi nên mọi người đều hiểu theo như mẹ dự đoán. (Sơn: bà Thảo là một gia đình láng giềng dễ thương và có phần đáng thương. Có lẽ cha mẹ cũng biết điều đó nên hay qua lại giúp đỡ, và nhờ đó mà những người con của ông bà Thảo qua lại với nhà mình thường xuyên, từ anh Hiền, chị An, cho tới chị Vinh, anh Hiển câm và Thủy (ở nhà gọi là con xíu). Gia đình đáng thương vì ông Thảo không có công việc nghề nghiệp gì cả, chỉ đi lang thang câu ếch câu cá qua ngày vậy thôi, nguồn kinh tế chính trong gia đình là do bà Thảo lo toan. Nhưng ông Thảo lại hay say rượu và rượt đánh vợ con thường xuyên. Không biết bao nhiêu lần anh thấy ông ta cầm que củi hay dao búa rượt bà Thảo chạy lòng vòng khắp nhà. Anh Hiền đi học trung học một thời gian ngắn rồi đi lính và tử trận, anh Hiển câm cũng chết đuối, Thủy (con xíu) cũng chết bệnh. Vì em của chị Vinh đã chết nên chị ấy càng rảnh hơn và hay qua lại chơi với nhà mình và giúp đỡ lặt vặt, vì thế nên Trinh cảm thấy gần gũi với chị ấy. Sau giải phóng 75 chị Vinh lấy chồng dưới Tân Tạo (La gi), rồi đi vượt biên qua Mỹ, có 4 người con, và đã ly dị, bây giờ đang sống tại Cali với con cái. Anh đã nói chuyện điện thoại với chị Vinh năm 2008).
Chị Vân tránh nói chuyện với em và em cũng chẳng trách móc kể lể gì cả và mọi sự đi vào quên lãng chỉ có em phải một mình vật lộn với nỗi ám ảnh đó trong một thời gian dài.

Nhớ về các em

Tuy coi sóc các em cũng nhiều năm, có lẽ cũng vì ít xung khắc nên không có nhiều chuyện để nhớ. Có một lần chơi với Trinh, hồi đó còn nhỏ lắm, em đã vô ngồi trong cái chum sành (đựng được chừng 30 lít nước). Trinh thấy thích quá bèn dành vô, em chưa kịp ra thì bị Trinh cắn cho một phát ngay đùi in cả mấy dấu răng. Rồi sau đó chẳng biết sao nữa.

Còn Phong thì tuy ít nói nhưng nghịch ngầm, không nhớ rõ chuyện gì nhưng chỉ nhớ là hay trêu người (chọc tức).

Mỗi lần thấy mẹ chuẩn bị đồ đạc và bình thủy là biết mẹ sắp đi sinh ở bệnh viện. Lần đó mẹ đi sinh Nguyên, thế là em phải giữ Trinh. Tối đến Trinh cứ một mực không chịu ngủ trên giường mà đòi nằm võng cho bằng được. Thế là cột một sợi dây (không biết có ai bày không) để đưa võng suốt đêm (vì ngừng là Trinh khóc) và hai chị em ngủ võng mấy đêm cũng chẳng nhớ nữa.

Thời gian còn nhỏ, hình như chưa xưng tội, em thường được cha chở đi lễ nhà thờ Lạc Đạo ở trên Phan Thiết. Có một lần mẹ mua đồ mới cho hai chị em (cả Nguyên nữa). Khi đưa bộ đồ mới ra để mặc đi lễ, Nguyên cứ khóc quay nảy, hỏi mãi mới biết lý do vì không muốn bận đồ mới, và sau đó không biết là có đi lễ hay có bị cha nạt hay không.

Rồi khi ở BMT mấy chị em đi cuốc cỏ lúa thì phải (không nhớ rõ chỉ biết cuốc cỏ) không hiểu cuốc kiểu gì mà phang trúng đầu Nguyên và sau đó ra sao cũng không nhớ nữa (hình như là chỉ bị nhẹ thôi).

Em chỉ nhớ có mấy chuyện về Trinh và Nguyên, còn Thủy, Quang, Giang, Vũ hầu như không để lại dấu ấn gì ngoài chuyện Vũ khóc vì đau bụng và cứ chập choạng là chỉ có mẹ chứ ngoài ra không có ai có thể bồng được.

Đi chơi công viên

Một ngày nọ, cha chở mẹ đi chợ tỉnh cùng với hai đứa Trinh và Nguyên. Cha cho hai đứa xuống chơi nơi công viên rồi chở mẹ vô chợ. Không biết Nguyên có nhớ chuyện này không ? Riêng chị thì lúc đo rất lo âu và sợ hãi vì ở nơi xa lạ mà không có cha mẹ bên cạnh mắt luôn dán vào hướng cha mẹ vừa đi khuất và cứ thấp thỏm chờ đợi chẳng biết trong công viên có những trò chơi gì. Hình như Nguyên cũng không chơi gì cả chỉ đứng thơ thẩn nơi cổng mà thôi. Cũng may là có hai chị em nên bớt cảm giác cô đơn. Không biết cha mẹ đi bao lâu nhưng vì cứ trông ngóng nên thấy rất lâu. Khi vừa thấy cha quay lại, chở theo mẹ với một giỏ kềnh càng thì vui mừng quá đỗi, mọi buồn phiền, sợ hãi đều tan biến, hai đứa leo lên xe sung sướng được về nhà.