17/11/09

Vấn đề hôn phối

Trải qua hơn 2 năm suy nghĩ, bây giờ mọi suy tư trở nên đa chiều và mục đích cuối cùng không còn như trước nữa.

Vấn đề quan trọng hơn cả việc xác thực kết quả, đó là làm sao để có thể sống thăng tiến hơn và làm được nhiều việc cho những người xung quanh. Còn kết quả ấy chỉ giúp mình thuận tiện hơn một chút mà thôi.

15/8/09

Cao hơn một mét

Bài của tác giả Trịnh Hữu Tuệ, tiến sĩ ngôn ngữ học, giảng viên đại học tại Đức.

"Nếu có ngày tình thế thay đổi và số phận những kẻ thua trận nằm trong tay tôi, tôi sẽ tha thứ đám dân thường. Thậm chí, tôi sẽ tha thứ một số lãnh đạo - họ có lẽ cũng chỉ là những kẻ thật lòng và không biết mình làm gì. Nhưng tôi sẽ treo cổ hết các trí thức, và tôi sẽ treo các Giáo sư cao hơn những tên khác một mét; tôi sẽ để chúng trên cột đèn chừng nào vệ sinh còn cho phép". - Victor Klemperer.


Xem nội dung bài viết tại đây


=======

11/8/09

Một dân tộc không sáng tạo sẽ trở nên hủ bại

10/08/2009 11:35 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Câu chuyện ngủ quên và tự hài lòng của người Anh suốt 70 năm sau Thế chiến II trong khi một phần khác của thế giới đang không ngừng sáng tạo và sáng tạo lại để giành những vị thế hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu mà GS Tom Cannon chia sẻ trong cuộc Bàn tròn trực tuyến này rất đáng để người Việt suy ngẫm.


Nhà
báo Nguyễn Quang Thiều:
Thưa quý vị và các bạn, trong quan niệm của tôi và tôi tin cũng là quan niệm của hầu hết mọi người: Sáng tạo chính là hơi thở của đời sống.

Mỗi một con người, mỗi một dân tộc, thậm chí mỗi một cỗ máy nếu không có sự sáng tạo liên tục và kế tiếp sẽ rơi vào tình trạng bất động. Trong tình trạng bất động ấy, chúng ta có thể nói một cách văn chương hay một cách thực tế rằng nó đồng nghĩa với cái chết.

Chính vì vậy Bàn tròn trực tuyến của Tuần Việt Nam/Vietnamnet lần này có tựa đề: Tương lai Việt Nam và con đường của sự sáng tạo - một đề tài rất đơn giản nhưng cũng rất lớn lao.

Tương lai Việt Nam, trong một kỷ nguyên mới, khi hầu hết những cánh cửa của dân tộc đã mở ra với thế giới - chúng ta đang trở thành một thành viên chính thức với nhiều ý nghĩa trên thế giới rộng lớn này; chúng ta đang sống trong sự kết nối đầy tính khoa học và đầy tính nhân bản và cả những bí ẩn trong sự kết nối ấy nữa, bởi thế, mỗi dân tộc phải tồn tại bằng chính cái tên của mình. Và nó thật đơn giản, thật cụ thể đến cả một thương hiệu nào đó.

Thương hiệu, cụm từ nghe thật đơn giản như vậy nhưng nó sẽ làm nên tất cả. Bởi đây là một vấn đề lớn, vấn đề có thể cần rất nhiều trí tuệ của rất nhiều người, của mọi tầng lớp, của những người Việt Nam, của những người nước ngoài nữa, của những người luôn luôn khát vọng về những sự thay đổi lớn của dân tộc.

Chiến tranh đã đi qua rồi, có thể trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đó thì thương hiệu Việt Nam hiện lên chính là một nhân cách, một khát vọng về hòa bình, một tinh thần không khuất phục trước mọi thế lực xâm lược. Nhưng đến bây giờ thì thương hiệu Việt Nam phải mang một tinh thần mới. Nếu chúng ta không làm được điều đó cho đời sống chúng ta và cho thế giới thì chúng ta sẽ bị biến mất trong thế giới rộng lớn.

Quang cảnh cuộc Bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Trường Giang

Bởi thế hôm nay, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với hai vị khách đặc biệt, Giáo sư Tom Cannon - một nhà hoạch định kinh tế danh tiếng của thế giới, một nhà marketing, một nhà tư vấn đầy kinh nghiệm và ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Trung Nguyên – một người mà chúng ta có thể nói rằng luôn luôn mang lại những sáng tạo thật bất ngờ, những ý tưởng thật bất ngờ và một khát vọng luôn rực cháy.

Với tinh thần như vậy, Bàn tròn trực tuyến lần này được thực hiện tại trung tâm của cà phê Trung Nguyên bởi một lí do trong giai đoạn đổi mới, Trung Nguyên đã vươn lên, vượt qua nhiều thách thức mang lại cho ta những sự bất ngờ không chỉ đối với người Việt mà còn trên thế giới. Nơi này còn đang hoạch định một lộ trình thật lớn, với một trí tưởng tượng thật kì diệu cho một tương lai không phải chỉ của một ly cà phê mà còn những điều lớn lao xung quanh ý nghĩa của nó.

Thưa hai vị khách mời, với tư tưởng của Bàn tròn về sự sáng tạo cho một dân tộc này chúng ta sẽ cùng gửi thông điệp cho cả thế giới rằng người Việt Nam đang khát vọng xác lập chân dung dân tộc mình trong một thời đại mới trong cộng đồng quốc tế. Người Việt Nam muốn mang lại cho thế giới một tinh thần mới trong những sản phẩm cụ thể của mình và trong những con đường mới của mình.

Sáng tạo không ngừng là con đường duy nhất tới thịnh vượng

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa Giáo sư Tom Cannon, trong quá trình tranh cử để trở thành Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã có rất nhiều bài thuyết trình và tư tưởng quan trọng nhất của ông ấy, như một lời kêu gọi, đó là khơi dậy tất cả giấc mơ và tri thức của người Mỹ để “sáng tạo lại đất nước này”.

Ông có chia sẻ gì, có lý giải gì, có cảm nhận gì về tư tưởng của Tổng thống Obama rằng nước Mỹ, một nước mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới hiện nay đang nói rằng họ cần phải sáng tạo lại dân tộc họ, sáng tạo lại đất nước họ? Và sự sáng tạo có vai trò quan trọng ra sao đối với dân tộc Việt Nam – một dân tộc đi qua triền miên chiến tranh và mới chỉ có một thời gian ngắn của hòa bình đang bắt đầu xác lập vị trí mới và chân dung mới của mình trên trường thế giới?

GS. Tom Cannon: Tôi hoàn toàn đồng ý với phần lời dẫn của ông Quang Thiều, sáng tạo là chìa khóa then chốt cho bất kì nền kinh tế của quốc gia nào, cho dù quốc gia đó là thiên về công nghiệp hay nông nghiệp đều không có ngoại lệ.

Bản thân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là một ví dụ rất điển hình. Đúng là Tổng thống Barack Obama đã phát biểu như vậy.

Giáo sư Tom Cannon. Ảnh: Trường Giang

Quan điểm đó xuất phát từ việc nước Mỹ xưa nay đã tập trung sự sáng tạo của họ vào hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính. Trong hệ thống ngân hàng và tài chính này, bản thân nó không tạo được sự thịnh vượng của một quốc gia, của một dân tộc. Đó là lí do Tổng thống Obama đã kêu gọi các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính phủ Mỹ phải làm sao phân bổ tính sáng tạo của họ vào những mảng, những doanh nghiệp, những ngành đem lại sự thịnh vượng cho cộng đồng, xã hội, làm sao để người dân Mỹ có thể sáng tạo ra những giải pháp, những cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề, vấn nạn mà nước này đang phải đối đầu.

Bất kì tại thành phố nào hay công ty hàng đầu nào của Mỹ cũng luôn nhấn mạnh và nêu lên tầm quan trọng to lớn cũng như tính sống còn của sự sáng tạo.

Quan điểm của tôi, thành phố chính là trung tâm của sự sáng tạo. Tôi vừa có dịp nói chuyện và trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM, được biết thành phố cũng đang tìm những giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề như dân số gia tăng, mực nước biển dâng cao hay các yếu tố liên quan đến môi trường.

Và một ví dụ rõ ràng về sự sáng tạo chính là công ty Trung Nguyên. Với phương châm, sáng tạo là linh hồn của phát triển từ sản phẩm của Trung Nguyên đến không gian quán đã giúp Trung Nguyên thành công trong những năm qua.

Người Pháp có một câu châm ngôn là: nguyên vật liệu chỉ là một câu thần chú thôi nhưng điều kì diệu nằm ở yếu tố sáng tạo.

“Phải có khát vọng trở thành hùng mạnh”

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Cũng vẫn câu hỏi này, tôi muốn chuyển cho một người mà có lẽ có rất nhiều lí do, có rất nhiều căn cứ, có rất nhiều cảm xúc để nói về sự sáng tạo ấy.

Thưa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông nghĩ gì về sự sáng tạo của người Việt trong giai đoạn gần đây nhất, giai đoạn mà chúng ta bắt đầu mở cửa chính sách kinh tế trong sự hòa hợp với toàn bộ thế giới?

Điều gì đang khiến ông cảm thấy dày vò nhất hay thậm chí là mối lo sợ mơ hồ nào đó về sự phát triển, sự xác lập chân dung của người Việt hiện nay?

Có nhiều bạn đọc đang cảm thấy chúng ta đi quá chậm, hình như chúng ta đang cảm thấy tự hạnh phúc với những điều rất nhỏ nhoi của mình. Chúng ta cảm thấy chúng ta dường như không muốn xác lập một cái gì lớn hơn nữa vị thế của người Việt trong một thời đại mới trên thế giới.

Vậy, có thể khái quát cái nhìn của ông về nền kinh tế, về xã hội hay về sự phát triển của dân tộc trong lúc này. Và theo ông, điều gì cần phải cảnh báo nhất đối với những người làm ra sản phẩm cho người Việt hiện nay?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Một trong năm giá trị cốt lõi của Trung Nguyên chúng tôi đặt ra là không ngừng sáng tạo và đột phá. Cá nhân tôi cho rằng đây cũng là những giá trị mà quốc gia chúng ta nên theo đuổi.

Phải có khát vọng trở thành hùng mạnh. Khi đặt vấn đề này, thì có thể thấy, nhiều người bảo rằng diện tích. Vậy thì làm sao lí giải được trường hợp Singapore? Bảo về dân số thì chúng ta đứng thứ 12, 13 thế giới. Bảo về tài nguyên thì Hàn Quốc và Nhật Bản, ta làm sao lí giải được cái đó.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Trường Giang

Trí tuệ của chúng ta không thua ai, đi thi đạt nhiều giải cao như thế; tài nguyên thì hơn hẳn Hàn Quốc, Nhật Bản, diện tích thì lớn gấp mấy lần Singapore. Vậy điều duy nhất mà chúng ta đang thiếu chính là một khát vọng.

Nước Mỹ được như hôm nay, ngoài tài nguyên rộng lớn họ còn có một nền văn hóa luôn luôn hướng đến sự chinh phục và khám phá. Cái đó là cái căn bản lớn nhất.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, đầy những quan niệm mới, nhiều đe dọa cho dân tộc mình, nhiều sức ép cho dân tộc này nếu không khéo chúng ta sẽ là nô lệ mới.

Bởi giờ đây không còn khái niệm biên giới cứng nữa, chúng ta có thể thấy toàn là biên giới mềm. Nào là biên giới của hàng hóa, biên giới của văn hóa, biên giới của lợi ích, biên giới của thông tin, biên giới của tiền tệ - tài chính – ngân hàng, biên giới của bản quyền, biên giới của hệ thống phân phối, kiểm soát quyền lực mới… cái này chúng ta có nhận diện được không? Người Việt có nhận diện đây là mối nguy của chúng ta hay không?

Có lẽ phần đông chúng ta chưa nhận thức, chưa thấy được nguy cơ này. Có chăng thì cấp lãnh đạo thấy, còn dân chúng và các tầng lớp khác trong xã hội thì tôi cảm nhận là hình như là chưa thấy hết được.

Tuy nhiên bối cảnh hiện nay cũng tạo cho chúng ta những cơ hội vô cùng lớn với thế giới. Giờ đây chúng ta có cơ hội về mở mang thị trường, tiếp cận với thế giới hầu như là toàn diện.

Nếu ta xác lập như vậy thì câu hỏi ở đây là Việt Nam là ai, Việt Nam muốn mình là ai và thế giới công nhận Việt Nam là gì trong bối cảnh này? Thực tiễn đòi hỏi phải định vị Việt Nam trên một tầm nhìn nào đó.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa Giáo sư Tom Cannon, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt một câu hỏi: Việt Nam là ai, đang ở đâu trong thời đại này, trước thế giới này. Câu hỏi đó không chỉ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mà còn của tất cả những người Việt Nam chúng tôi – những người mà trong trái tim họ có một sự tự trọng cho dân tộc này, và khát vọng cho dân tộc này.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
Ảnh: Trường Giang

Người Việt Nam có câu “đóng cửa bảo nhau”, nhưng cá nhân tôi, cũng như rất nhiều người Việt Nam đã coi ông như một người Việt, vì thế chúng tôi muốn nghe một câu của ông, hãy dựng một chân dung thật nhất như ông đang nghĩ về Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Tom Cannon: Cho phép tôi được nói về nước Anh của tôi chút xíu. Nếu quý vị theo dõi thì có thể thấy nền kinh tế của Anh quốc trong thời gian qua đang bị tụt hậu và một trong những lí do đó là cấp lãnh đạo của quốc gia đã cho rằng vậy là đủ rồi đấy.

Khi tới Việt Nam, tiếp xúc với một số người, một số vị thì tôi cũng có cảm nhận rằng đâu đó có những vị đã nghĩ rằng như vậy là đã đủ rồi đó.

Ví dụ như một sản phẩm nào đó, nếu như nghĩ đã có thể cạnh tranh được tại một cái vùng miền nho nhỏ nào đó, với một cái hãng quốc tế nào đó thì cho rằng như vậy là đủ rồi. Cũng như sự sáng tạo, cũng như những sản phẩm chúng ta cứ nghĩ đã cạnh tranh được về giá như vậy là đã đủ rồi đó. Đó là một điều cảm nhận của tôi.

Một ví dụ nữa về lĩnh vực may mặc tại Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào. Giả dụ hãng Nike đến và đưa cho một số doanh nghiệp các đơn hàng, nhưng họ giữ hết ý tưởng, thiết kế mẫu mã, thương hiệu, giá cả và thị trường và doanh nghiệp kia chỉ được hưởng một khoản phần trăm nhất định và nếu doanh nghiệp cho rằng, cái khoản phần trăm đó là tốt rồi thì hãy cẩn thận với những điều đó.

Chúng ta muốn gì ở tương lai?

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Sự ngủ quên trong hạnh phúc của mình là một điều rất nguy hiểm. Tôi đã gặp rất nhiều trí thức Mỹ và họ nói rằng lời cảnh báo, lời kêu gọi, báo động cấp cao nhất của Obama hay của những người Mỹ chân chính và có trí thức là phải sáng tạo dân tộc đó.

Họ quan ngại bởi cho rằng, quá nhiều người Mỹ, trong đó có cả một phần chính quyền đang ngủ quên và ngủ quá lâu, ngủ một cách mĩ mãn, khi cho rằng với nước Mỹ như vậy là đã đủ.

Vừa rồi, GS Tom Cannon cũng cho biết đã nhận thấy đâu đó ở Việt Nam cũng có quan điểm ngủ quên như vậy. Thưa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, sự ngủ quên mà chúng ta đang nói đến của chúng ta hay nói cách khác là sự thỏa mãn ngốc nghếch. Sự thỏa mãn này bắt nguồn từ điều gì? Từ việc chúng ta quá nghèo đói trong một thời gian dài nên giờ chỉ cần no một chút là chúng ta thấy mĩ mãn? Phải chăng khát vọng con người bị đắm chìm đi hay một điều gì khác?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi nghĩ lời của Obama có phần không phải là sáng tạo lại, nước Mỹ cho đến ngày hôm nay vẫn là cường quốc, kinh tế, quân sự, họ vẫn là số một. Nhưng có lẽ họ đi hoạch định những con đường, những quan điểm, những giá trị họ theo đuổi và họ có thể bỏ quên một số lĩnh vực với vai trò là một người số một.

Nhưng nếu xét về bình diện quốc tế thì có thể nói Âu châu có một hạ tầng tuyệt vời để có thể cất cánh chứ không phải là người Mĩ. Thế nhưng tại sao lại là người Mỹ? Có lẽ bởi vì Âu châu đã ngủ quên, đã hướng về quá khứ chứ không phải về tương lai. Khác với người Mĩ ở vấn đề này. Và vấn đề này cần thay đổi.

Nhìn ra quốc tế để quay lại bài toán của Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, cái yếu ớt chỉ hùng mạnh và vĩ đại khi lâm vào đường cùng – đó là những cuộc chiến tranh giữ nước trong khi bị kẻ thù xâm lược. Lúc đó cấu kết xã hội và sức mạnh xã hội của Việt Nam mới bùng phát. Và khi bung ra rồi thì nó trở lại đời sống của nó là nó. Cái này mình phải quy về vấn đề văn hóa.

Anh cứ tưởng tượng chúng ta có tới hơn 3.000 km biển mà hồi giờ vẫn cứ quay lưng lại với biển. Trong khi những nước bé nhỏ như Hà Lan đã tận dụng lợi thế biển để vươn ra trở thành cường quốc và có thể chi phối thế giới.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Trường Giang

Ngày hôm nay để dân tộc Việt Nam thực sự cất cánh, rất cần thiết phải đánh giá lại. Đây là cuộc cách mạng thay đổi nhân sinh quan về tâm lý người Việt. Nếu không làm được cuộc cách mạng này chúng ta sẽ không thể có thành công.

Trong bối cảnh toàn cầu, phải xác định cho được cái nào là cái neo ghim giữ sự phát triển của dân tộc không bung lên được, kìm giữ khát vọng cất cánh của dân tộc thì phải tìm cho ra và xử lý đi.

Còn những cái nào thuộc về bản sắc, hay hệ giá trị cốt lõi của đất nước này, những giá trị đậm đà Việt Nam thì phải giữ gìn cho chắc và phải tôn tạo, vun đắp lên. Những cái cần phải hấp thu tinh hoa của thế giới để bồi đắp giàu thêm cho dân tộc mình thì phải lên danh sách để rồi đem vào giáo dục, đem vào hệ thống để xử lí.

Mình là người Việt, phải có nét riêng, phải có tiếng nói riêng của mình trong thế giới rộng lớn này. Đây là điều rất cần nhưng hiện nay tôi thấy công cuộc này, hình như chúng ta vẫn chưa khởi động.

Giáo sư Tom Cannon: Tôi có 3 điểm xin phép được bổ sung.

Ý thứ nhất, tôi xin được chia sẻ quan điểm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là ví dụ về chính nước Anh quê hương tôi với hiểm họa của việc là một quốc gia anh hùng.

Nước Anh của chúng tôi trong đệ nhị thế chiến đã là một quốc gia anh hùng, đã chiến thắng được quân Đức. Và 70 năm người chúng tôi vẫn còn làm phim về cuộc chiến đó, còn nói chuyện về cuộc chiến đó, vẫn còn suy nghĩ về cuộc chiến đó…

Đúng, chúng ta cần tôn trọng lịch sử, nhưng chúng ta không thể sống mãi trong cái giá trị đó. Và với cái ý đó chúng ta có thể quay lại câu chuyện của Tổng thống Obama.

Trong lần nói chuyện trước với Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi cũng chia sẻ câu chuyện của một cậu sinh viên mà có lần giúp việc cho ông Obama một thời gian trong lúc vận động tranh cử thì câu hỏi mà ông Obama đặt ra đối với dân tộc Mỹ, đó là: Chúng ta muốn tương lai của nước Mỹ là tương lai của một quốc gia tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng mà nó không tạo ra một giá trị thật nào cả; hay một tương lai của nước Mỹ tạo ra những giá trị sáng tạo thật sự, thí dụ như Iphone. Và đúng là cái ý chính của ông Obama giống như lúc đầu ông Vũ có nói là hãy tư duy trở lại cái tương lai của mình.

Đặt trong bối cảnh này, đối với Việt Nam chúng ta cũng như nước Anh cần phải nghĩ lại là trong tương lai chúng ta muốn gì, quốc gia chúng ta đi đâu về đâu.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Rất cảm ơn về câu chuyện về nước Anh anh hùng 70 năm trước của ông. Chúng tôi hiểu câu chuyện đó và tôi nghĩ những bạn đọc của Vietnamnet cũng hiểu câu chuyện đó. Tôi nghĩ quá khứ luôn luôn là một kí ức người ta không thể quên được nhưng nó không phải là con đường trước mặt và sự sáng tạo là rất cần thiết hay có thể nói là sự sống còn cho mỗi dân tộc.

  • Tuần Việt Nam

Tương lai Việt Nam - Con đường của sự sáng tạo


05/08/2009 11:03 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phát triển theo chiều rộng, dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô và những mặt hàng gia công mang giá trị gia tăng thấp. Giai đoạn phát triển tiếp theo, Việt Nam cần và nên làm gì để có được một phương thức phát triển mới: theo chiều sâu, bền vững và có thương hiệu hơn?


Việt Nam nên chọn ngành kinh tế nào để cạnh tranh và vươn tới
đẳng cấp thế giới? Ảnh: Trường Minh.


Câu hỏi ấy không chỉ là trăn trở của những người lãnh đạo mà của rất nhiều những người dân Việt Nam quan tâm tới sự phát triển quốc gia. VietNamNet muốn đem những trăn trở ấy chia sẻ với những vị khách mời và bạn đọc qua bàn tròn trực tuyến: Tương lai Việt Nam – Con đường của sự sáng tạo vào lúc 16h30 ngày 5 tháng 8 năm 2009.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam có nên tiếp tục là nhân lực giá rẻ nữa không? Việt Nam nên chọn ngành kinh tế nào để cạnh tranh và vươn tới đẳng cấp thế giới? Chiến lược xây dựng các thương hiệu như thế nào để những sản phẩm của Việt Nam nổi bật trên thương trường thế giới? Tăng trưởng bền vững hơn đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách và khung tư duy như thế nào?

Có lẽ câu trả lời nằm ở sự Sáng Tạo và tương lai của Việt Nam phải là Con đường của sự sáng tạo.

Khách mời của chương trình sẽ là Giáo sư Tom Cannon đến từ Đại học Liverpool và doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch và TGĐ Tập đoàn Trung Nguyên.

Tuần Việt Nam xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tham gia đóng góp vào cuộc bàn tròn. Phần lược thuật và chi tiết của cuộc bàn tròn sẽ được Tuần Việt Nam gửi tới quý bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

  • Tuần Việt Nam

Không xông pha thương trường thì làm sao chiến thắng?


11/08/2009 09:47 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - “Trước những đội quân xâm lược, người Việt Nam chưa hề run sợ, nhưng tại sao bây giờ người Việt Nam lại run sợ trước những đội quân của các nền kinh tế?

Phần 1:
Một dân tộc không sáng tạo sẽ trở nên hủ bại

“Cho tôi một ly cà phê Việt”

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đầy sự sáng tạo. Tôi có may mắn được lang thang tới nhiều vùng trên thế giới và những gì thế giới biết về chúng ta đều là các di sản do ông cha làm ra.

Sáng tạo thứ nhất là, bên cạnh tất cả nghệ thuật rối của các nước như Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Hàn Quốc, hay Nhật đều có những điểm tương đồng về địa lí,về tôn giáo, về văn hóa với Việt Nam, nhưng cuối cùng người Việt Nam cũng sáng tạo ra loại hình nghệ thuật kì diệu nhất thế giới đó là rối nước. Đó là một sáng tạo lớn của người Việt, đầy cá tính và đặc biệt.

Sáng tạo thứ hai của người Việt được thế giới biết đến là món Phở. Bên cạnh tất cả các món như mì vằn thắn, sủi cảo của người Trung Hoa, mì lạnh Hàn Quốc và những món ăn mà tôi khái niệm là dùng sợi của mì hay gạo cùng với nước dùng thì phở Việt Nam vẫn giữ ngôi vị thống trị trên thế giới. Những người nước ngoài đến Việt Nam đều rất thích ăn phở và những người nước ngoài ở Mĩ, ở Úc, ở Anh hay ở châu Âu cũng thích thú với món ăn này.

Nhưng trong thời đại mới, một mặt phải tiếp nối những di sản mà cha ông để lại, chúng tôi phải tạo một tinh thần mới, một thông điệp mới, một không gian mới, một cảm xúc mới trong những sáng tạo mới, thưa GS Tom Cannon, nếu ông được quyết định toàn quyền rằng Việt Nam phải chọn lựa sản phẩm nào, phải chọn lựa sự sáng tạo nào hiện nay cho thế giới, ông sẽ chọn lựa như thế nào. Có phải Việt Nam sẽ đi vào những công nghệ phần mền như Ấn Độ, sẽ làm ra những sản phẩm về may mặc hay những sản phẩm về nông sản?

Quang cảnh cuộc Bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Trường Giang

Giáo sư Tom Cannon: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể đặt vấn đề ngược lại như sau: khi nói đến 1 sản phẩm không nên nghĩ theo cách truyền thống là nông sản hay một sản phẩm thuần túy. Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt các thứ như: phần mềm, áo quần, thức ăn, thực phẩm, thức uống, cà phê… cách đó không phải sáng tạo nữa rồi.

Chúng ta phải nghĩ là có giá trị nào mới từ những sản phẩm đó. Chẳng hạn, chúng ta có sáng tạo liên tục và cải thiện những giá trị mới cho những sản phẩm có thể gọi là cũ.

Tại sao không nghĩ rằng cà phê sẽ phổ biến khắp nơi ở tại thị trường châu Á, ở tại Mĩ, ở tại châu Âu chẳng hạn. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng chính chúng ta sẽ tạo ra những nhu cầu mới cho những sản phẩm cũ của chúng ta.

Thí dụ như ta đi uống cà phê, ta đến một quán cà phê nào đó tại Pháp chẳng hạn, họ có thể gọi: “cho tôi cà phê Canion, cho tôi cà phê Colombia đi”, chúng ta phải làm sao để họ hô lên rằng: “cho tôi cà phê Việt Nam”.

Để làm được điều đó, chúng ta phải liên tục sáng tạo và cải tiến, luôn luôn là như vậy.

Ví như ở Mỹ, khi người tiêu dùng ngán ngẩm vì gạo khiến cho người dùng có nguy cơ mập, vậy là có người nghiên cứu và cho đời loại gạo không gây mập và họ trúng lớn.

Và thử ngồi đây, nghĩ lại 30 năm về trước, khi đó, chắc chắn sẽ không ai có thể tưởng tượng rằng nhân loại sẽ có được 1 cái điện thoại mà có thể nghe nhạc được, có thể vào internet.

Vì vậy, chúng ta phải liên tục cải thiện và chúng ta phải liên tục sáng tạo ra những giá trị mới. Xin đặt một câu hỏi mở là trong 15 năm tới chắc chắn trên thị trường sẽ có một sản phẩm hoàn toàn mới và sản phẩm đó sẽ thống lĩnh thị trường mà ngay thời điểm này sản phẩm đó chưa tồn tại. Vậy chúng ta muốn sản phẩm đó từ Việt Nam đi ra hay là từ một quốc gia khác trên thế giới?

Năm nhóm vấn đề nền tảng

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn chờ xem ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ có bao nhiêu câu trả lời cho câu hỏi này.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Nếu sự sáng tạo trên cơ sở vật chất, thì tôi đề nghị Việt Nam nên chú ý trên 5 nhóm vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, thế mạnh của đất nước là nông nghiệp, vậy thì sáng tạo trên nền nông nghiệp là cái gì. Vì thế phải có một chiến lược nghiêm túc về nông nghiệp, phải hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp.

Về nông sản, Việt Nam có thể cạnh tranh trên các giai đoạn, nghĩa là tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng chứ không phải là cung cấp nguyên liệu thô, sức lao động hoặc mặt bằng. Vậy thì phải chuẩn bị gì và phải chọn những loại nông sản nào để chúng ta tiến lên? Phải tính cho kỹ việc xây dựng thương hiệu như thế nào, từ chỉ dẫn địa lí, chỉ dẫn ngành đến chỉ dẫn từng thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp. Cái này quan trọng lắm.

Nếu biết làm, biết liên tục sáng tạo thì chúng ta hoàn toàn đã đánh thức được sức mạnh của dân tộc thông qua cái ngành nông sản rồi.

Thứ hai, là vấn đề hạ tầng và vấn đề công nghiệp. Chúng ta định vị theo đuổi ngành công nghiệp nào, những hạ tầng về xây dựng, hạ tầng về năng lượng chúng ta phải xử lí ra sao trên cái căn bản để đặt nền tảng cho sự phát triển quốc gia và sáng tạo trên đó như thế nào. Đây vẫn là câu hỏi chúng ta cần phải thảo luận nghiêm túc để có thể trả lời.

Thứ ba, cực kì quan trọng, sẽ đặt nền móng cho toàn bộ các vấn đề chúng ta đang thảo luận ngày hôm nay, đó là nhóm giáo dục và y tế.

Giáo dục cần được xử lí như thế nào? Quan điểm, triết lí giáo dục chúng ta đang theo đuổi là gì?

Và thể chất, sức khỏe người Việt nữa. Nếu không có sức khỏe thì không làm được gì đâu, cái môi trường sống, cả đảm bảo về an toàn vệ sinh, tất cả mọi cái để người Việt có thể phát triển thể chất tốt.

Thứ tư, là nền công nghiệp du lịch dựa trên tất cả vấn đề hữu hình và vô hình, vấn đề sinh thái và toàn bộ… trong đó có ẩm thực. Biển cả, rừng núi rồi vốn liếng di sản từ vật thể đến phi vật thể, chúng ta đóng gói lại để trình bày với thế giới để mang thế giới đến đây ở một đẳng cấp khác. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng biểu tượng Việt Nam dựa trên những thứ đó. Sáng tạo là sáng tạo trên nền này. Làm sao khác biệt, làm sao hấp dẫn thế giới trên những cái đó đây?

Thứ năm, quan trọng hơn hết, đó là xu hướng của kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức. Tài sản lớn nhất của dân tộc này chính là sức trẻ và trí tuệ người Việt. Giờ đây phải quy hoạch lại trên những phân đoạn tạo giá trị và có thể đua tranh với thế giới. Ngay bây giờ chúng ta phải tính, để rồi 20 – 30 năm sau chúng ta có một thế hệ có thể nhảy vọt trên một tầm nhìn mới. Điều này chưa ai đặt ra cả.

Trong 5 yếu tố tôi vừa kể ra thì 2 cái đầu là cái đặt nền tảng và 3 cái sau là chúng ta đặt nền móng cho vấn đề nhảy vọt.

Không dám đua tranh thì làm sao chiến thắng

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Với tư cách cá nhân, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm ông Vũ đưa ra. Nhưng tôi muốn trở lại một điều cụ thể hơn, chúng ta bắt đầu đi từ những con đường rất nhỏ để ra một đại lộ lớn.

Có một hiện thực tâm lí rằng những nhà sản xuất ô tô Việt Nam luôn luôn kinh hãi không bao giờ đi qua được người Nhật. Những người làm đồ điện tử Việt Nam thì kinh hãi không bao giờ qua được người Hàn Quốc…

Nhưng tôi cảm nhận rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, khi đứng trước các nhà cà phê khổng lồ trên thế giới hình như đã không có nỗi sợ hãi đó. Phải chăng vì trong tư tưởng của ông, trong những hoạch định của ông và trong những bước đi của Trung Nguyên đã có những cơ sở để ông tin vào con đường của mình?

Vậy ông có thể lí giải như thế nào về sự sợ hãi của một số nhà sản xuất Việt Nam trước những nhà sản xuất lớn trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Đức, Mỹ và các nước khác…?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cảm ơn câu hỏi này bởi vì đây là niềm tự hào của tập đoàn Trung Nguyên chúng tôi.

Nói đến người Mỹ, nói đến người Hàn, nói đến người Singapore, nói đến người Nhật chúng ta đều ngưỡng mộ. Vậy họ có phải là thần thánh không? Không! Họ không là thần thánh, họ là con người. Vậy thì họ làm được, hà cớ gì chúng ta không làm được. Chúng ta phải gọi nhau, chúng ta phải nói chuyện với nhau, chúng ta phải làm được. Chúng ta phải làm được những gì thế giới có thể làm và nếu có thể phải làm tốt. Nhưng có vẻ như tư tưởng này vẫn chưa thực sự chưa ngự trị nhiều trong vấn đề của người Việt.

Khi anh không dám đua tranh thì làm sao anh nghĩ ra cách anh có thể thi thố với người ta. Và nếu anh không nghĩ ra cách thi thố thì sao anh nghĩ đến chiến thắng cuối cùng. Không bao giờ có. Không dám thì hai vế sau không bao giờ có.

Tôi biết đôi khi đối đầu với những người khổng lồ thì thương hiệu của tôi thua họ, tài chính tôi thua họ, hệ thống phân phối của tôi cũng thua họ, vấn đề nghiên cứu phát triển tôi thua họ, mạng lưới tôi thua… và sự hậu thuẫn bởi cả một quốc gia tôi cũng thua. Do vậy, nỗ lực thi thố của chúng tôi phải gấp 10 lần so với một thương hiệu nào đến từ nhiều quốc gia khác, nhưng xét cho cùng thì tôi không sợ.

Ở đây quay lại, tôi có một cái nhìn khác. Nếu ngày xưa, dân tộc này hãi sợ người Mỹ thì không dám đánh Mỹ và không thể thắng Mỹ.

Quan trọng là chúng ta đã chiến thắng

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa nói rằng dân tộc Việt Nam, trước đội quân cực mạnh như quân đội Pháp, trước một đội quân còn mạnh hơn nữa là đội quân xâm lược Mỹ, nhưng người Việt Nam chưa hề run sợ. Nhưng bây giờ người Việt Nam lại run sợ trước những đội quân của một nền kinh tế.

Là một người ngoài cuộc, ông hãy lí giải tại sao người ta không sợ cái chết, người ta không khuất phục trước những đội quân mà các nước khác sợ. Nhưng đến bây giờ họ lại run rẩy trước một cái ô tô đầy tính thực dụng của người Nhật?

Giáo sư Tom Cannon

Giáo sư Tom Cannon: Thứ nhất, chúng ta nên học từ quá khứ chứ đừng nên sống trong quá khứ. Trên thế giới này, chỉ có một quốc gia duy nhất có thể cùng một lúc có thể thắng được các đội quân xâm lược phong kiếnTrung Quốc và đội quân xâm lược Mỹ đó là quốc gia mà chúng ta đang ngồi đây. Vấn đề là đừng đặt câu hỏi là chúng ta đã thắng bằng cách nào mà câu hỏi rộng hơn đó là chúng ta đã thắng được, cái tinh thần đó mới là quan trọng.

Thứ hai, quay lại câu chuyện tại sao trong thời chiến chúng ta lại đánh thắng nhưng trong thời này chúng ta lại dễ dàng khiếp sợ.

Trong các trường Đại học, người ta đã cho ếch thử phản ứng với sự thay đổi. Trường hợp thứ nhất, người ta đem một nồi nước sôi và thả ếch vào thì ếch nhảy ra tức thì. Kết quả là 90% ếch sống được.

Trường hợp thứ hai là thả ếch vào nước lạnh và đun từ từ, lúc đầu ếch cũng bơi rất là thích thú, cho đến lúc nước sôi thì 100% ếch đã chết.

Bài học rút ra cho Việt Nam là trong thời chiến, chúng ta là trường hợp con ếch bị thả vào nước sôi, đến đột ngột và chúng ta đã phải nhảy, và cả dân tộc chúng ta đã phản ứng rất nhanh. Còn trong thời bình thì phải cẩn thận, coi chừng chúng ta đang rớt vào trường hợp của những con ếch thứ hai. Đó là một cuộc chiến, nó cứ từ từ, nó rất là mềm mại và chúng ta không khéo sẽ chết trong nồi nước sôi 100 độ.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng ta có truyền thống đó nhưng truyền thống về thương mại chúng ta không có. Hàng ngàn năm nay, đất nước này không trọng thương mại nên xét cho cùng chúng ta mới tham gia vào sản xuất và cung ứng dịch vụ trong 20 năm gần đây mà thôi. Chính điều này đã tạo nên sự hãi sợ, sự thiếu tự tin của người Việt. Tuy nhiên, cái đó không quan trọng.

Quan trọng là chúng ta đã đánh thắng vì chúng ta xác lập đó là thời chiến với sự sống còn và chúng ta nỗ lực toàn bộ cho cuộc chiến đó. Bây giờ, là một cuộc chiến không tiếng súng và chúng ta tưởng đâu là thời bình. Cuộc cạnh tranh hiện nay vô cùng khốc liệt, không dễ nhận ra. Nó không phải là cạnh tranh sống còn nhưng ở đây là nỗi nhục nghèo, tụt hậu xa cách…

Tôi rất là thú vị khi tổng kết đất nước Nhật sau thế chiến thứ hai, khi mà người Nhật thua cuộc chiến đó rồi thì họ không tuyên bố nhưng họ dồn toàn tâm toàn ý vào một cuộc chiến mới đó là cuộc chiến về kinh tế. Giờ đây người Nhật có thể nói không với người Mỹ.

Thương hiệu Việt có thể chi phối thế giới nếu biết cách làm

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Khi nói về nỗi sợ hãi của những người Việt nói chung và của những doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trước những nền kinh tế lớn trên thế giới, lí giải của ông Vũ là có cơ sở, có thể chưa phải là tất cả.

Tôi muốn hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ về chính thương hiệu Trung Nguyên của ông: Dường như trong tất cả những gì ông đã làm được, Trung Nguyên đã làm được và đang làm, đang ước mơ chứng tỏ không một nỗi sợ hãi.

Tôi xin hỏi ông một câu hỏi đầy tính cá nhân là khi ông đến với Trung Nguyên, khi mỗi một người hay mỗi một dân tộc đến với điều gì đó thì luôn luôn có sự mách bảo nào đó. Mách bảo ở đây chúng ta không thể hiểu là mách bảo từ thánh thần mà là một điều gì đó trong anh ta hay quanh anh ta mách bảo. Vậy thì khi ông đến với cà phê thì sự mách bảo của ông là gì, đó là sự mách bảo của cảm xúc hay của lí trí hay của một điều gì khác nữa?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi tìm đến cà phê giống như tìm đến một sự thoát nghèo cho gia đình và đại gia đình. Tại vì nhiều lần tôi có nói, khi bố tôi bị đau mà chỉ cần 2 triệu đồng để mua thuốc thôi mà kiếm trong đại gia đình không được. Khi đó tôi còn là một sinh viên mới lớn, và tôi thề rằng sẽ đưa gia đình này thoát nghèo.

Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy cà phê không còn là vấn đề kinh tế thuần túy. Càng ngày tôi càng thấy đây là vấn đề triết lí, những vấn đề về quan điểm sống.

Khi tôi phát hiện cà phê có thể trở thành một quyền lực mềm, Việt Nam có thể chi phối toàn thế giới nếu chúng ta biết cách làm. Đến ngày hôm nay tôi thấy rõ ràng có một nguồn lực vô hình và những lực lượng trong nội tại của chúng ta mà thế giới đang chờ Việt Nam tổ chức trở lại để đưa vào một diễn trình mới. Thông qua nó Việt Nam sẽ có một vị thế mới mà hàng ngàn năm nay có thể phát ngôn được tiếng nói của mình thông qua cà phê.

Trung Nguyên là một trong những đơn vị nằm trong diễn trình của cà phê Việt nên buộc chúng tôi phải làm một cuộc cách mạng với chính mình.

Tôi đặt mục tiêu Trung Nguyên phải đi chinh phục thế giới chứ không phải chỉ nằm trong nước. Đạt vị trí số một Việt Nam rồi, giờ là lúc phải đặt ra vấn đề đi chinh phục thế giới.

Vậy Trung Nguyên sẽ chinh phục thế giới thế nào khi phải đối diện với những ông lớn khổng lồ như Starburst, Sarali, Nestle. So sánh tương quan như vậy thì rõ ràng nếu là một kẻ nhát thì đã phải sợ ngay nhưng với Trung Nguyên thì cho rằng chúng tôi cần phải khôn ngoan hơn họ. Phải có nghệ thuật thắng từng bước và tiến tới thắng toàn diện. Phải biết thế, lực, phải biết vận tâm dụng trí, phải biết tranh thời như thế nào từng giai đoạn để ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

  • Tuần Việt Nam